Sáng 24/4, tại Hà Nội, Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor) đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025.

Tham dự Đại hội, có đại diện lãnh đạo Cục Phát triển doanh nghiệp nhà nước, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Pháp chế và Văn phòng (Bộ Tài chính); đại diện Bộ Công an và các Bộ ngành liên quan.
Về phía Vinafor, có ông Phí Mạnh Cường - Chủ tịch Hội đồng quản trị; ông Đỗ Vinh Quang – Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị; ông Lê Quốc Khánh - Thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc; cùng các Thành viên Hội đồng quản trị, Ban Tổng giám đốc, Ban kiểm soát cùng các cổ đông của Tổng công ty.
Tổng doanh thu của Vinafor năm 2024 đạt 2.066 tỷ đồng, tương đương 104% kế hoạch năm
Báo cáo tại Đại hội, ông Lê Quốc Khánh – Thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Vinafor cho biết: Năm 2024, Tổng công ty triển khai thực hiện kế hoạch, nhiệm vụ trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; cạnh tranh chiến lược gay gắt, xung đột leo thang, giá xăng dầu, hàng hóa cơ bản, cước vận tải biến động mạnh; kinh tế, thương mại phục hồi chậm, thiếu vững chắc; tổng cầu, đầu tư toàn cầu sụt giảm, tỷ giá, lãi suất biến động khó lường; thiên tai, biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, lương thực, an ninh mạng diễn biến phức tạp.
Ở trong nước, Chính phủ vừa phản ứng linh hoạt, hiệu quả trước những biến động bên ngoài, vừa phải khắc phục những hạn chế, bất cập nội tại kéo dài nhiều năm và phải dành nhiều thời gian, nguồn lực giải quyết những vấn đề đột xuất, phát sinh, nhất là ứng phó, khắc phục thiên tai gây hậu quả nặng nề và còn kéo dài tại nhiều địa phương. Tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do nhu cầu tiêu dùng, đầu tư, thương mại toàn cầu sụt giảm, mặc dù kim ngạch xuất khẩu lâm sản năm 2024 có tăng nhưng chủ yếu từ các doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp chế biến gỗ trong nước vẫn gặp rất nhiều khó khăn do đơn hàng thưa thớt nên kết quả sản xuất, kinh doanh sụt giảm. Bên cạnh đó, cơn bão số 3 đã gây nhiều thiệt hại về tài sản, hạ tầng kinh tế – xã hội và sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản ở các tỉnh phía Bắc trong đó có một số các đơn vị của Tổng công ty bị thiệt hại nặng nề.
Trước tình hình khó khăn nêu trên, với sự chỉ đạo sát sao kịp thời của Đảng, Chính phủ và đặc biệt là của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và sự đồng hành của Tập đoàn T&T cùng với sự quyết tâm của Hội đồng quản trị, Ban điều hành Vinafor và sự nỗ lực của toàn thể cán bộ nhân viên, các đơn vị thành viên, Tổng công ty đã đạt được một số kết quả khả quan, các chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận của Công ty mẹ, hợp nhất và chỉ tiêu tạo rừng, khai thác rừng hoàn thành vượt kế hoạch năm 2024 đề ra.
Ông Lê Quốc Khánh – TV.HĐQT, Tổng giám đốc Vinafor báo cáo tại Đại hội
Cụ thể, về kết quả sản xuất, kinh doanh hợp nhất, tổng doanh thu của Vinafor năm 2024 đạt 2.066 tỷ đồng, tương đương 104% kế hoạch năm; lợi nhuận sau thuế đạt 358 tỷ đồng, tương đương 113% kế hoạch năm. Về kết quả thực hiện lâm sinh, tạo rừng mới năm 1 đạt 3.088 ha, tương đương 106%; khai thác gỗ rừng trồng đạt 3.711 ha, tương đương 139%.
Kế hoạch năm 2024, kế hoạch 5 năm đến 2025 và Chiến lược phát triển Vinafor đến năm 2030, tầm nhìn 2035 đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 thông qua tại Nghị quyết số 244 NQ/ĐHĐCĐ ngày 28/06/2024. Hội đồng quản trị Tổng công ty đã ban hành Nghị quyết số 254/NQ-HĐQT ngày 3/07/2024 để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024; Trong đó, đã phân công nhiệm vụ cho các thành viên trong Hội đồng quản trị hướng dẫn chỉ đạo cụ thể hóa các chiến lược thành phần để triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, Tổng công ty cũng đã hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị thành viên xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển và nhiệm vụ trọng tâm 5 năm giai đoạn 2026-2030, định hướng đến năm 2035 tại văn bản số 1420/TCT-KHĐT ban hành ngày 5/11/2024. Trong năm 2024, Vinafor luôn theo dõi, giám sát, nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh tại các đơn vị thành viên, diễn biến tình hình kinh tế - xã hội và thị trường, họp Hội đồng quản trị, Ban điều hành định kỳ hàng tháng để đánh giá tình hình, tiến độ thực hiện, đồng thời, có các giải pháp tháo gỡ, khắc phục khó khăn.
Trong năm 2024, Vinafor tiếp tục hoàn thiện Đề án kinh doanh tín chỉ carbon rừng trên cơ sở cập nhật các chính sách pháp luật chung của nhà nước và văn bản hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc phát triển thị trường carbon trong nước. Tổng công ty đã cử thành viên tham gia tổ công tác xây dựng tiêu chuẩn carbon trong lâm nghiệp do Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chủ trì để đảm bảo xây dựng và triển khai các hoạt động trong phát triển dự án tín chỉ carbon tại Việt Nam theo đúng quy định của pháp luật.
Trong hoạt động sản xuất lâm nghiệp, về sản xuất, kinh doanh cây giống, Vinafor đã đẩy mạnh nghiên cứu, khảo nghiệm nhiều dòng giống mới và mở rộng thị trường tiêu thụ. Năm 2024, các đơn vị lâm nghiệp và giống lâm nghiệp sản xuất, tiêu thụ được 39,6 triệu cây giống các loại, tương đương 106% kế hoạch năm. Về công tác tạo rừng mới, Tổng công ty đã nghiên cứu trồng thử nghiệm, khảo nghiệm một số giống keo lai, bạch đàn lai mới của Việt Nam và Trung Quốc; mở rộng diện tích trồng cây đa mục đích (như mắc ca, quế), nghiên cứu trồng thử nghiệm một số loài cây đa mục đích khác như dó bầu, hồi… Về công tác quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng FSC, nhóm các đơn vị lâm nghiệp thuộc Vinafor có chứng chỉ rừng đã hoàn thành đánh giá giám sát hàng năm, tiếp tục duy trì chứng chỉ rừng chu kỳ thứ 3 giai đoạn 2023 – 2028 (Hòa Bình, Ba Tơ, La Ngà và Gia Lai) với diện tích 19.560 ha. Trong năm 2024, đã triển kha nâng cấp hệ thống và được cấp chứng chỉ rừng thêm 1 đơn vị là Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đình Lập với diện tích 1.902 ha. Tính đến cuối năm 2024, Tổng công ty đã có 5 đơn vị được cấp chứng chỉ rừng bền vững với tổng diện tích 21.460 ha, tăng 1 đơn vị so với năm trước. Đối với các đơn vị lâm nghiệp còn lại (Lộc Bình, Đông Bắc, Thái Nguyên, Hà Tĩnh) và các công ty cổ phần có hoạt động sản xuất lâm nghiệp, đã tiếp tục cập nhật và thực hiện phương án quản lý rừng bền vững. Xây dựng kế hoạch tập huấn về chứng chỉ rừng đối với Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lộc Bình, chuẩn bị thực hiện vào năm 2025.
Về nhiệm vụ ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động sản xuất, kinh doanh và quản lý điều hành trên nền tảng số để nâng cao hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh, Vinafor đã tiếp tục triển khai Đề án phát triển công nghệ thông tin giai đoạn 2020 – 2030 để tăng cường công tác quản trị tại các đơn vị thành viên, nâng cao hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh của Tổng công ty; trong đó, nâng cấp thiết bị và phần mềm họp trực tuyến, tạo môi trường kết nối nhanh chóng và an toàn giữa Tổng công ty và các chi nhánh, góp phần tiết kiệm chi phí, thời gian và nâng cao hiệu quả quản lý. Ngoài ra, Vinafor cũng làm việc với một số đơn vị tư vấn về chuyển đổi số, số hóa rừng trồng để lựa chọn công nghệ phù hợp với ngành nghề, mô hình quản lý điều hành của Tổng công ty.
Tập trung mọi nguồn lực, phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu kế hoạch năm 2025
Tại phần thảo luận, cổ đông đặt câu hỏi về những nội dung quan trọng như ảnh hưởng của căng thẳng thương mại toàn cầu, lộ trình xây dựng Đề án tín chỉ carbon hay kế hoạch, định hướng phát triển của Vinafor trong năm 2025 và những năm tiếp theo.
Các cổ đông đặt câu hỏi tại phần thảo luận
Giải đáp các câu hỏi của cổ đông, ông Phí Mạnh Cường – Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinafor cho biết: Theo Báo cáo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 của Chính phủ, Việt Nam là nước có nền kinh tế hội nhập sâu rộng với toàn cầu nên tình hình địa chính trị và chiến tranh thương mại dự báo còn nhiều bất ổn, diễn biến khó lường sẽ ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế nước ta trong năm 2025. Về thị trường chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam năm 2025, dự báo vẫn còn gặp nhiều khó khăn và diễn biến khó lường do Chính phủ Hoa Kỳ dự kiến áp thuế đối với nhiều nước với mục tiêu cân bằng lại cán cân thương mại. Năm 2025 là năm cuối thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ giai đoạn 2021 – 2025 của Vinafor, kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ giai đoạn 2021-2025 sẽ là bản lề để Tổng công ty xây dựng và thực hiện kế hoạch nhiệm vụ giai đoạn tiếp theo (2026-2030) góp phần hoành thành mục tiêu định hướng chiến lược phát triển Tổng công ty giai đoạn đến 2030, tầm nhìn đến 2035.
Theo ông Phí Mạnh Cường, về một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 và các năm tới, Vinafor sẽ tập trung mọi nguồn lực để tổ chức thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu kế hoạch năm 2025 đã đề ra; tăng cường hướng dẫn chỉ đạo và hỗ trợ các đơn vị thành viên để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh; nâng cao hiệu quả quản lý sử dụng vốn, tài sản, đất đai và theo đúng quy định pháp luật; chỉ đạo thực hiện các giải pháp tháo gỡ, khắc phục khó khăn đối với một số đơn vị chế biến, công ty giống, đơn vị sản xuất, kinh doanh chưa hiệu quả. Triển khai thực hiện theo Chiến lược phát triển Tổng công ty giai đoạn từ năm 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2035, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và tổng kết kết quả thực hiện. Triển khai xây dựng Kế hoạch giai đoạn 2026 - 2030, nhận định hướng phát triển, thuận lợi, rủi ro có thể xẩy ra và xây dựng các giải pháp thực hiện.
Ông Phí Mạnh Cường – Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinafor giải đáp các câu hỏi của cổ đông
Vinafor sẽ hoàn thành Đề án kinh doanh tín chỉ carbon nhằm phát huy lợi thế của Tổng công ty, thể hiện vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp nhà nước trong ngành lâm nghiệp; chỉ đạo Ban điều hành làm việc với các cơ quan chức năng, đơn vị tư vấn để sớm có tín chỉ carbon. Tổng công ty cũng sẽ chỉ đạo các đơn vị xây dựng quy hoạch, kế hoạch, định hướng sử dụng đất để khai thác, nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai giai đoạn 2026 - 2030, tầm nhìn đến năm 2035. Trong đó, các đơn vị phải cụ thể hoá mục tiêu (tăng diện tích trồng rừng gỗ lớn hàng năm, từng bước chuyển đổi trồng cây đa mục đích, phấn đấu thu hồi tối đa diện tích bị lấn chiếm, chồng lấn...), định hướng khai thác sử dụng đất (nghiên cứu tiến tới chuyển đổi một số diện tích đất có tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái, nông lâm nghiệp công nghệ cao...).
Bên cạnh đó, Vinafor sẽ tập trung nghiên cứu mở rộng thị trường mới và xem xét các dự án mới có tính khả thi, chỉ đạo triển khai, quản lý các dự án đầu tư theo quy định; đồng thời, tiếp tục củng cố, phát triển các liên doanh hiện có để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng hợp tác quốc tế để phát triển các liên doanh mới. Tổng công ty cũng tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin 4.0 và chuyển đổi số trong quản lý điều hành sản xuất, kinh doanh của Công ty mẹ và các đơn vị thành viên. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, giám sát tài chính tại cơ quan Văn phòng Tổng công ty, các đơn vị trực thuộc, tình hình thực hiện nhiệm vụ của người đại diện theo ủy quyền của Tổng công ty tại các doanh nghiệp có vốn góp đảm bảo hoạt động có hiệu quả, đúng quy định pháp luật.
Ngoài ra, Vinafor sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi, ban hành mới quy định, qui chế nội bộ của Tổng công ty theo quy định pháp luật hiện hành, góp phần nâng cao hiệu quả quản trị nội bộ; đồng thời, triển khai thực hiện đồng bộ và toàn diện Đề án Văn hóa doanh nghiệp trong toàn Tổng công ty.
Chủ động đánh giá, dự báo thị trường để có phương án xử lý linh hoạt, phù hợp
Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, ông Phùng Quốc Chí - Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp nhà nước (Bộ Tài chính) cho biết: Việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 18 Tập đoàn, Tổng công ty từ Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp về Bộ Tài chính là cột mốc không chỉ đánh dấu bước chuyển mình mới trong quản lý và phát triển của 18 Tập đoàn, Tổng công ty, mà còn thể hiện sự quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc tăng cường hơn nữa hiệu quả quản lý và phát huy tối đa tiềm năng của doanh nghiệp nhà nước trong bối cảnh mới.
Ông Phùng Quốc Chí - Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp nhà nước (Bộ Tài chính) phát biểu chỉ đạo tại Đại hội
Theo Cục trưởng Phùng Quốc Chí, trước bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, nhu cầu chế biến lâm sản phục hồi chậm làm ảnh hưởng không nhỏ tới doanh thu của Vinafor, tác động tiêu cực của Cơn bão số 3 tới các đơn vị phía Bắc của Tổng công ty gây thiệt hại lớn về rừng trồng và tài sản. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Đảng, Nhà nước và các cơ quan của Chính phủ cùng với sự quyết tâm của trong thực hiện và đoàn kết của cán bộ lãnh đạo và công nhân viên, Tổng công ty đã khắc phục những khó khăn và thực hiện các nhiệm vụ của Đại hội đồng cổ đông đã đề ra. “Kết quả trên thể hiện sự phối hợp chặt chẽ giữa các cổ đông cùng với phát huy lợi thế, hỗ trợ và chia sẻ lợi ích, tạo đà thuận lợi trong triển khai sản xuất, kinh doanh hiệu quả, tạo niềm tin trong tương lai về sự phát triển bền vững của Vinafor” – Cục trưởng Phùng Quốc Chí nhấn mạnh.
Cục trưởng Phùng Quốc Chí nhận định: Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, và là năm khởi đầu cho kế hoạch giai đoạn mới; đồng thời là năm tập trung tổ chức Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng Cộng sản Việt Nam và củng cố, chuẩn bị tốt các yếu tố nền tảng để thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030, đánh dấu thời điểm đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình, phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc. Đây cũng là thời điểm cả nước đang tập trung, ưu tiên mọi nguồn lực để triển khai đầy đủ, toàn diện các nhiệm vụ, định hướng, kế hoạch sắp xếp tổ chức bộ máy của Chính phủ, đơn vị hành chính địa phương theo hướng “tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả”. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 21/3/2025 về nhiệm vụ, giải pháp của doanh nghiệp nhà nước góp phần tăng trưởng kinh tế hai con số, phát triển đất nước nhanh và bền vững.
Vinafor đã chủ động xây dựng kế hoạch và Bộ Tài chính cũng đã ban hành Quyết định 1073/QĐ-BTC ngày 25/3/2025 của Bộ Tài chính giao chỉ tiêu tăng trưởng cho các Tập đoàn, Tổng công ty, trong bối cảnh kinh tế - xã hội thế giới và khu vực có nhiều biến động. Nhân dịp này, Cục trưởng Phùng Quốc Chí đề nghị Người đại diện vốn nhà nước phối hợp với Hội đồng quản trị Vinafor tập trung triển khai một số giải pháp quan trọng. Cụ thể, trên cơ sở kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2025 đã được Đại hội thông qua, Tổng công ty cần có những giải pháp quyết liệt, triển khai tốt các nhiệm vụ được giao, theo dõi, giám sát việc triển khai thực hiện kế hoạch tại các đơn vị thành viên; tăng cường vai trò trách nhiệm của Người đại diện vốn nhà nước tại Tổng công ty và Người đại diện vốn của Tổng công ty tại các đơn vị. Chủ động đánh giá, dự báo thị trường trong và ngoài nước để có phương án xử lý linh hoạt, phù hợp, có hiệu quả và giảm thiểu rủi ro.
Bên cạnh đó, Người đại diện vốn nhà nước tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Đảng ủy, Hội đồng quản trị trong điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, chuẩn bị tốt cho Đại hội Đảng nhiệm kỳ 2026 – 2030. Trong thời gian này, Bộ Tài chính được giao chủ trì sửa đổi nhiều văn bản quy phạm pháp luật, trình Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phù hợp với chỉ đạo điều hành kinh tế - xã hội của đất nước, trong đó có Dự thảo Luật Quản lý và Đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Với vai trò là doanh nghiệp nhà nước lớn trong lĩnh vực lâm nghiệp, Vinafor cần tiếp tục rà soát, tổng hợp các khó khăn, bất cập phát sinh trong thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh, từ đó, có các kiến nghị, đề xuất cụ thể, trình các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế, phù hợp với quy định của pháp luật.
*Một số hình ảnh tại Đại hội:
Ông Đỗ Vinh Quang – Phó Chủ tịch HĐQT Vinafor trình bày Quy chế làm việc tại Đại hội
Ông Nguyễn Trung Kiên – TV.HĐQT, Phó Tổng giám đốc Vinafor trình bày Báo cáo của HĐQT về hoạt động năm 2024, Định hướng hoạt động năm 2025
Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Trưởng ban kiểm soát Vinafor trình bày Báo cáo thực hiện nhiệm vụ,
quyền hạn của BKS năm 2024; Định hướng hoạt động năm 2025 & Tờ trình lựa chọn Công ty kiểm toán BCTC năm 2025
Ông Mai Quý Quảng – Kế toán trưởng Vinafor trình bày Tờ trình phân phối lợi nhuận sau thuế năm 2024
Ông Tô Văn Hiệp – Trưởng Ban Tổ chức nhân sự Vinafor trình bày Tờ trình về tiền lương, thù lao HĐQT (bao gồm cả TGĐ)
và Ban kiểm soát năm 2025
Ông Lê Châu Hạp – Phó Ban Đầu tư tài chính Vinafor trình bày Tờ trình v/v bổ sung Danh mục thoái vốn
của Đề án cơ cấu lại Tổng công ty giai đoạn 2021 - 2025

Các cổ đông bỏ phiếu thông qua các nội dung tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2025