Cơ hội tiềm ẩn rủi ro
Cái bắt tay tạm dừng leo thang căng thẳng thương mại Mỹ - Trung mới đây dường như đã cho ngành chế biến gỗ Việt Nam chặng nghỉ cần thiết để “lấy lại bình tĩnh” sau nhiều nhận định đầy hưng phấn trước đó rằng một cơ hội vô cùng lớn đang mở ra cho sản phẩm gỗ “made in Vietnam”.
Tất nhiên là những nhận định ấy không sai khi tin rằng số đơn hàng đồ gỗ và thậm chí cả dòng vốn đầu tư vào ngành này sẽ có xu hướng dịch chuyển sang Việt Nam - nơi đang dẫn đầu về xuất khẩu đồ gỗ ở Đông Nam Á, xếp thứ 2 ở Châu Á và thứ 5 toàn cầu.
Câu hỏi là xu hướng ấy liệu có thực sự lớn và bền vững hay không, nhất là trong bối cảnh cuộc căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đang bước vào giai đoạn “khó mà dự đoán được diễn biến tiếp theo” như hiện nay?
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, vẫn còn quá sớm để xem căng thẳng thương mại Mỹ-Trung là cơ hội lớn cho ngành đồ gỗ Việt Nam. Đáng chú ý, nếu sự dịch chuyển đơn hàng và đầu tư chỉ để đồ gỗ được dán nhãn “made in Việt Nam” nhằm tránh thuế nhập khẩu vào Mỹ thì sớm hay muộn ngành đồ gỗ Việt Nam cũng sẽ gặp vạ lây nếu bị áp thuế chống lẩn tránh thuế từ xứ cờ hoa.
Thông tin từ Bộ Công Thương cũng cho hay Hải quan Mỹ đã khởi xướng điều tra những dấu hiệu lẩn tránh thuế với một số DN xuất khẩu ván dán từ Việt Nam. “Bộ Công Thương đang theo dõi sát vụ việc này và chắc chắn sẽ tổ chức đoàn kiểm tra xem có sự giả mạo xuất xứ Việt Nam hay không. Nếu phát hiện thì sẽ xử lý nghiêm vụ việc”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh khẳng định.
Thách thức mở ra cơ hội
Ngành đồ gỗ Việt Nam đang đứng trước những cánh cửa khác với tiềm năng rất lớn từ hai Hiệp định tự do thương mại thế hệ mới là FTA Việt Nam-EU và CPTPP. Nếu hai Hiệp định này cùng thực thi trong năm 2019 thì sẽ có tác động tương đối lớn tới ngành chế biến gỗ Việt Nam.
Trong đó, CPTPP trước mắt sẽ cho Việt Nam cơ hội ngay lập tức tiếp cận sâu rộng vào các thị trường như Canada, Peru và Mexico. Còn EU với dung lượng thị trường đồ gỗ hàng năm lên tới 80-90 tỷ USD sẽ là “kho báu” khi lượng đồ gỗ Việt Nam thâm nhập được thị trường này hiện mới ở mức chưa tới 800 triệu USD.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn phát biểu tại hội thảo về ngành đồ gỗ tại TPHCM ngày 7/12. Ảnh: VGP/Phương Hiền
Không thể phủ nhận thế mạnh của Việt Nam trong sản xuất đồ gỗ khi gần như là nơi có chi phí sản xuất thấp nhất thế giới nên luôn đạt mức tăng trưởng 2 con số mỗi năm trong cả thập kỷ qua. Tuy nhiên, thách thức lớn khi hàng Việt nói chung và đồ gỗ nói riêng tiếp cận các thị trường phát triển như EU, Mỹ, Nhật là những yêu cầu rất cao về bảo vệ môi trường, tài nguyên và trách nhiệm xã hội. Đó là lý do vì sao sản phẩm gỗ từ Việt Nam phải tuân thủ rất nhiều đòi hỏi về nguồn nguyên liệu hợp pháp - mới đây nhất là những cam kết tại Hiệp định đã ký với EU hôm 19/10/2018 (VPA/FLEGT - Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi Luật Lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản).
Theo ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tư tưởng chính của Luật Lâm nghiệp có hiệu lực từ đầu năm 2019 tới cũng hướng đến các chuẩn mực và thông lệ quốc tế về quản lý trồng trọt, chế biến, kinh doanh lâm sản, đảm bảo tạo nên chuỗi giá trị ngành gỗ hiệu quả và bền vững.
“Nếu Việt Nam không quản lý được nguồn gỗ nguyên liệu hợp pháp thì sẽ tới lúc không bán đồ gỗ cho ai được nữa. Những kiểu làm ăn ‘được chăng hay chớ’, không rõ ràng như trước đây sẽ gặp nhiều gay go. Chỉ một vài DN nhập khẩu hoặc khai thác trộm vài mét khối gỗ sẽ là những con sâu làm rầu nồi canh, có thể gây ra ảnh hưởng ghê gớm cho toàn ngành”, vị Thứ trưởng ngành nông nghiệp cảnh báo.
Nhà tư vấn kinh tế Phạm Phú Ngọc Trai thì đúc kết “Việt Nam nên dựa vào năng lực lõi - với những lợi thế về nguồn gỗ nguyên liệu rừng trồng hợp pháp, công nghệ cơ khí đồ gỗ ngày một cải tiến và lực lượng lao động có kỹ năng với mức lương cạnh tranh - để trở thành trung tâm của ngành gỗ thế giới. Điều này tốt hơn rất nhiều so với việc kỳ vọng vào những ‘cơ hội’ đầy tính biến động và tiềm ẩn nhiều rủi ro như căng thẳng thương mại Mỹ-Trung”.
Kinh doanh là phép tính tổng hòa của những cơ hội và rủi ro. Có những điều tưởng chừng là cơ hội - như cuộc căng thẳng thương mại giữa hai cường quốc kinh tế vừa qua - khi đi sâu phân tích mới thấy rủi ro tiềm ẩn là không nhỏ, và cơ hội thì có thể không lớn như nhiều dự tính trước đó. Ngược lại, có những thứ tưởng chừng là sức ép và thách thức - như việc tuân thủ các đòi hỏi “khó tính” về môi trường, xã hội như Hiệp định VPA/FLEGT - khi “nhìn xa trông rộng” lại thấy mang đến tiềm năng vô cùng lớn để phát triển bền vững.
Theo Phương Hiền
Báo điện tử chính phủ.