Vietnamese English

TỔNG CÔNG TY LÂM NGHIỆP VIỆT NAM - CÔNG TY CỔ PHẦN




Tăng cường liên kết chuỗi giữa các chủ thể để phát triển nền nông nghiệp

02/05/2019
Với chủ đề "Tạo lập và phát triển bền vững các chuỗi giá trị nông, lâm, thủy sản hội nhập kinh tế" của Phiên thảo luận hiến kế nông nghiệp trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế tư nhân 2019 diễn ra ngày 2/5 tại Hà Nội, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp, nhà quản lý… đã đưa ra nhiều giải pháp, kiến nghị nhằm tăng cường tính liên kết các chủ thể trong sản xuất, phát triển các doanh nghiệp có khả năng dẫn dắt các chuỗi giá trị nông nghiệp.



Mặc dù được quan tâm phát triển, số lượng doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại nông nghiệp có tăng nhanh trong hai năm gần đây, nhưng vẫn còn chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng số các doanh nghiệp của cả nước. Nông nghiệp Việt Nam vẫn do kinh tế hộ làm chủ đạo, quy mô sản xuất còn nhỏ, năng suất, chất lượng thấp phần lớn chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường, phát triển còn thiếu bền vững. 
Phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm hàng hoá, dịch vụ nông, lâm, thủy sản là xu thế tất yếu và nhu cầu không thể thiếu của các hộ dân, cá thể. Hợp tác xã là phương thức sản xuất tốt nhất để thực hiện vai trò liên kết giữa các nhà. Ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, tính liên kết của các chủ thể trong thời gian vừa qua có bước tiến triển, tuy nhiên chưa đáp ứng được yêu cầu về phát triển ngành nông nghiệp hiện đại trong cơ chế thị trường cạnh tranh, chưa khai thác hết tiềm năng trong liên kết. 
Ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho rằng, nhiều hợp tác xã chưa phát huy được vai trò trong liên kết sản xuất. Bởi, quy mô hoạt động của các hợp tác xã đa số là vừa và nhỏ, khả năng thích ứng với cơ chế thị trường còn hạn chế, năng lực quản trị của cán bộ còn yếu và việc tiếp cận cơ chế chính sách cũng rất hạn chế. Nhiều chính sách đã có nhưng hợp tác xã chưa được hưởng thụ. 
Để làm tốt vai trò liên kết của hợp tác xã, theo ông Nguyễn Văn Thịnh, việc đầu tiên là đẩy mạnh tuyên truyền vì hiện người dân chưa nhận thức được vai trò của hợp tác xã kiểu mới, tâm lý hợp tác xã kiểu cũ để lại vẫn nặng nề. Cùng với đó, cần sớm sửa đổi Luật Hợp tác xã vì sau 7 năm thực hiện đã bộc lộ nhiều điểm không phù hợp, cản trở sự phát triển; sửa Luật Đất đai để tháo gỡ nút thắt về tích tụ ruộng đất và sớm ban hành nghị định riêng về hợp tác xã nông nghiệp. 
“Cần xây dựng hệ sinh thái đồng bộ cho chuỗi liên kết này như: quy hoạch vùng về nguyên liệu, phương thức sản xuất, nhà máy chế biến, trung tâm nghiên cứu, trung tâm hỗ trợ nông dân và chính sách tín dụng và xúc tiến thương mại. Trong hệ sinh thái này nếu thiếu một mắt xích thì sẽ khó thành công”, ông Nguyễn Văn Thịnh nhận định. 
Từ góc nhìn của người làm thực tế, ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời cho rằng, cánh đồng lớn chính là cách tháo gỡ về hạn điền, giảm giá thành sản phẩm, nâng chất lượng sản phẩm... Nhưng để làm được thì doanh nghiệp phải có thương hiệu. Nếu không, bản chất vẫn chỉ là chuyển cái khó của nông dân sang cho doanh nghiệp. 
“Cần phân vai giữa ba nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân như ba đỉnh của tam giác đều. Nhà nước ở trọng tâm của tam giác với vai trò kiến tạo, tạo lập luật chơi, trọng tài và chế tài cho liên kết này. Nếu chúng ta xác lập được cơ chế này và phân vai rõ ràng các bên, ai làm cũng làm tròn vai của mình sẽ tạo được liên kết bền vững”, ông Huỳnh Văn Thòn hiến kế. 
Con tôm là một trong những mặt hàng thế mạnh, mặt hàng tỷ đô của ngành nông nghiệp, nhưng ông Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, ở Cà Mau, Bạc Liêu, Cần Thơ mới chỉ có 74 liên kết sản xuất nhưng chưa được là chuỗi liên kết khép kín. Trong khi đó, liên kết trong sản xuất thủy sản là yêu cầu tất yếu để có thể áp dụng sản xuất theo các tiêu chuẩn quốc tế. 
Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn thủy sản Minh Phú, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam cho biết, điểm nghẽn lớn nhất ngành tôm vẫn là sản xuất nhỏ lẻ và khi sản xuất nhỏ lẻ thì không truy suất được nguồn gốc, dẫn tới không có chứng nhận quốc tế. 
“Giấy thông hành bán tôm ra thị trường quốc tế là phải có chứng nhận quốc tế. Thậm chí mỗi thị trường đòi hỏi một loại chứng nhận quốc tế khác nhau. Nếu người dân sản xuất nhỏ lẻ thì không thể nào có được những giấy chứng nhận đó”, ông Lê Văn Quang nhấn mạnh. 
Ông Lê Văn Quang cho hay, để giải quyết bài toán liên kết chuỗi nuôi tôm, doanh nghiệp này đã nhiều năm đi tìm lời giải bằng cách mua đất, thuê đất, thành lập công ty cổ phần để người nông dân góp đất nuôi tôm nhưng cũng không thành công. 
Sau nhiều năm trăn trở, công ty đi đến giải pháp thành lập một doanh nghiệp xã hội. Theo đó, tất cả những người nuôi tôm sẽ góp đất, nuôi và bán sản phẩm trên chính mảnh đất của mình. Như vậy, một hộ nuôi tôm coi như ao nuôi tôm của một doanh nghiệp lớn và vấn đề truy suất nguồn gốc để cấp giấy chứng nhận quốc tế đã có lời giải. Tuy nhiên, cách làm này lại vướng quy định của Luật Chứng khoán. 
Ông Lê Văn Quang nhấn mạnh, không có sản phẩm nông nghiệp nào nuôi nhanh như tôm vì chỉ cần 2 tháng đã cho thu hoạch. Nuôi tôm có lãi rất cao nhưng doanh nghiệp không có đất nuôi, nông dân thì không có vốn. Nuôi tôm có lãi nhưng các ngân hàng vẫn e dè. Ông Quang kiến nghị Thủ tướng Chính phủ khởi động lại chính sách bảo hiểm để doanh nghiệp có thể đầu tư cùng nông dân đầu tư nuôi tôm. Bên cạnh đó, Nhà nước cần xem xét để doanh nghiệp xã hội sẽ không chịu sự kiểm soát của Luật Chứng khoán. 
Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đề xuất, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách để doanh nghiệp đầu tư vào hợp tác xã mạnh hơn, bởi hợp tác xã hiện nay đang yếu về quản trị; tạo điều kiện thông thoáng hơn cho doanh nghiệp tích tụ ruộng đất, thành lập doanh nghiệp xã hội.
Nguồn Mard.gov.vn
Kết thúc phiên
Giá tham chiếu
Khối lượng

Đăng nhập

Liên kết website

Thống kê truy cập

Số người online: 195
Tổng số truy cập: 6652083