Vietnamese English

TỔNG CÔNG TY LÂM NGHIỆP VIỆT NAM - CÔNG TY CỔ PHẦN




Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam: Nỗ lực vượt khó, ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh

19/09/2020
Sáng 18/9, trong chuỗi chương trình làm việc cùng 19 Tập đoàn, Tổng công ty trực thuộc, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh đã có buổi làm việc tại Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor). Tham gia đoàn công tác có Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Cảnh, đại diện lãnh đạo các Vụ chức năng, Văn phòng và Trung tâm Thông tin.

Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh phát biểu quán triệt chương trình, nội dung buổi làm việc

Những tín hiệu tích cực
Báo cáo về tình hình sản xuất – kinh doanh năm 2020, ông Phí Mạnh Cường – Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinafor cho biết, Tổng công ty đã xây dựng và triển khai thực hiện tốt chương trình kế hoạch hoạt động năm 2020 theo chỉ đạo của Ủy ban tại Quyết định 60/QĐ-UBQLV và theo Nghị quyết 01 và 02 của Chính phủ; đã xây dựng và báo cáo Ủy ban về kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025.
Về chỉ tiêu lâm sinh, sau 8 tháng năm 2020, Vinafor đã thực hiện công tác tạo rừng với kết quả 1.943 ha (kế hoạch năm là 2.472 ha), công tác khai thác gỗ rừng trồng đạt 1.789 ha (kế hoạch năm là 2.569 ha). Về chỉ tiêu tài chính, Tổng doanh thu Công ty mẹ đạt 770 tỷ đồng (kế hoạch năm là 975 tỷ đồng), Lợi nhuận sau thuế Công ty mẹ đạt 275 tỷ đồng (kế hoạch năm là 300 tỷ đồng).


Ông Phí Mạnh Cường – Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinafor

Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Vinafor đã kịp thời triển khai các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, xây dựng các kịch bản sản xuất – kinh doanh theo mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh để kịp thời ứng phó, tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị, đảm bảo sức khỏe, công việc cho người lao động, góp phần ổn định an sinh xã hội, đặc biệt là các đơn vị tại vùng sâu, vùng xa, vùng giáp biên giới.
Theo lãnh đạo Vinafor, Tổng công ty đã đẩy mạnh đầu tư trồng rừng bằng những giống mới chất lượng cao (Bạch đàn cự vĩ 32-29, Đông môn 32-26, keo lá tràm AA1, AA9, CLT...), áp dụng biện pháp cơ giới vào trồng rừng thâm canh để tạo vùng nguyên liệu chất lượng cao phục vụ chế biến sâu.
Ông Phí Mạnh Cường cũng chia sẻ một số khó khăn mà doanh nghiệp đang phải đối mặt. Theo đó, về sản xuất lâm nghiệp, giá dăm gỗ xuất khẩu giảm làm cho giá bán gỗ rừng trồng giảm, từ đó, doanh thu của các đơn vị lâm nghiệp giảm, diện tích trồng rừng mới giảm. Về chế biến gỗ: các đơn hàng năm 2020 bị hủy; chậm ký kết các đơn hàng mới năm 2021, làm giảm lợi nhuận của Tổng công ty. Bên cạnh đó, công tác thoái vốn gặp nhiều khó khăn do cơ chế chính sách, định giá đất đai.
Nhấn mạnh vai trò quỹ đất đai trong sự phát triển của doanh nghiệp lâm nghiệp, ông Lê Quốc Khánh - Thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Vinafor cho biết, Vinafor đã tích cực chủ động làm việc với các địa phương trong công tác quy hoạch để duy trì và phát triển quỹ đất đai, chống lấn chiếm, trồng rừng thâm canh.
Về mô hình quản trị, ông Lê Quốc Khánh khẳng định, Vinafor sẽ chú trọng vào công tác tái cơ cấu, thoái vốn, ngành nghề kinh doanh cốt lõi. Có một số đơn vị trực thuộc có đặc thù là vốn nhà nước chiếm dưới 50%, nhưng đây lại là những đơn vị mang tính chất phụ trợ cho hoạt động sản xuất lâm nghiệp, Vinafor đang nghiên cứu phương án cơ cấu lại những đơn vị này.

Nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, sử dụng và quản lý phần vốn nhà nước

Ông Nguyễn Quế Dương – Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Nông nghiệp cho biết, Vinafor chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần từ năm 2016, trong những năm gần đây, Tổng công ty đã cho thấy tính hiệu quả trong hoạt động sản xuất – kinh doanh. Trong 8 tháng năm 2020, Vinafor cơ bản đã hoàn thành những chỉ tiêu trong kế hoạch sản xuất – kinh doanh đã được điều chỉnh. Đối với công tác xây dựng kế hoạch 5 năm tới, Vinafor đã tích cực, khẩn trương triển khai xây dựng và trình lên Ủy ban rà soát, xem xét.
Với đặc thù chu kỳ kéo dài của ngành lâm nghiệp, Vinafor đã chủ động xây dựng tầm nhìn chiến lược đến năm 2030 và 2035, dưới sự tư vấn của những đơn vị chuyên môn. Vụ Nông nghiệp sẽ tiếp tục phối hợp cùng Vinafor hoàn thiện quá trình xây dựng tầm nhìn chiến lược này, sau đó, sẽ trình lãnh đạo Ủy ban và các cổ đông chiến lược để thống nhất phương án triển khai.
Ông Nguyễn Quế Dương cho biết, ngày 29/7 vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 82-KL/TW tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XI về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp. Tại Kết luận số 82-KL/TW, Bộ Chính trị điều chỉnh một số cơ chế tháo gỡ, đồng thời, nhấn mạnh, đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, quỹ đất đóng vai trò quan trọng.
Lãnh đạo Vụ Nông nghiệp cho biết, không chỉ Vinafor, mà một số doanh nghiệp lâm nghiệp cũng đang gặp vướng mắc về cơ chế, chính sách trong công tác khai thác quỹ đất, tác động không nhỏ tới nguồn lực phát triển của doanh nghiệp. Ông Nguyễn Quế Dương yêu cầu Vinafor chủ động bám sát, phối hợp với các địa phương có đơn vị trực thuộc của Tổng công ty trong công tác quy hoạch đất đai.
Theo ông Phạm Tuấn Anh – Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, đối với định hướng chiến lược của Vinafor, Ủy ban sẽ cùng Tổng Công ty phối hợp với các địa phương liên quan khẩn trương hoàn thành công tác đo đạc cắm mốc, xác định ranh giới, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo phương án cổ phần hóa được quy định tại Quyết định 215/QĐ-TTG năm 2016 phê duyệt phương án cổ phần hóa Vinafor do Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Bên cạnh đó, ông Phạm Tuấn Anh cũng lưu ý Vinafor trong công tác mở rộng quỹ đất trồng rừng theo thâm canh cao, tạo vùng nguyên liệu tập trung phục vụ cho công nghiệp chế biến gỗ cần phù hợp với hình thức sắp xếp theo hướng dẫn của Nghị định 118/2014/NĐ-CP của Chính phủ về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp. Tổng Công ty cũng cần điều chỉnh về định hướng, cho phép thành lập công ty lâm nghiệp trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên nhằm gắn kết, phát triển vùng nguyên liệu của doanh nghiệp và người dân gắn với phát triển công nghiệp chế biến lâm sản và thị trường.
Lãnh đạo Vụ Tổng hợp cũng bày tỏ quan điểm đồng tình với một số định hướng chiến lược của Vinafor gồm phát triển bền vững dựa trên nền tảng cốt lõi là lâm nghiệp công nghệ cao; phấn đấu là doanh nghiệp đứng đầu trong sản xuất, kinh doanh cây giống chất lượng cao trên cơ sở ứng dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại và cải tạo giống cây trồng.
Đại diện Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ trưởng Nguyễn Cảnh Toàn đánh giá cao việc Đảng bộ Vinafor tổ chức thành công Đại hội lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 vào ngày 11,12/5 vừa qua và thể hiện sự đoàn kết thống nhất cao trong cấp ủy đảng của một đơn vị doanh nghiệp có mô hình hoạt động đặc thù. Ông Nguyễn Cảnh Toàn nhận định, Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 được Vinafor tổ chức mới đây đạt kết quả tốt, nội dung bám sát chủ trương của Hội đồng quản trị như công tác chuyên môn, công tác cán bộ. Về công tác người đại diện vốn, lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ đề nghị Tổng công ty khẩn trương ban hành quy chế người đại diện để tạo thuận lợi cho hoạt động của đơn vị và việc đánh giá người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Về một số vướng mắc liên quan cơ chế thoái vốn, bà Vũ Thị Nhung – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Kiểm soát nội bộ cho biết, Vinafor đã phối hợp tích cực và hiệu quả với Vụ. Vụ Pháp chế, Kiểm soát nội bộ đã có văn bản tổng hợp trao đổi với Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ liên quan việc sửa đổi một số Nghị định liên quan, từ đó, tìm cách tháo gỡ vướng mắc liên quan cơ chế, chính sách. Về vấn đề pháp chế liên quan đề xuất của Vinafor về thành lập đơn vị xuất khẩu lao động, Nghị định 91/2015/NĐ-CP và Nghị định 32/2018/NĐ-CP không quy định áp dụng đối với các doanh nghiệp cổ phần như Vinafor mà chỉ áp dụng đối với các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước nên Vinafor có thể thực hiện bình thường.
Đại diện Văn phòng, ông Nguyễn Thành Công – Phó Chánh Văn phòng cho biết, Vinafor đã cơ bản hoàn thành các chỉ đạo của Lãnh đạo Ủy ban theo các kết luận tại các cuộc làm việc trước đây. Về công tác giao nhận văn bản giữa Vinafor và Ủy ban, hiện nay, Vinafor vẫn còn áp dụng nhiều văn bản giấy, cần cải thiện theo hướng số hóa để phù hợp với tinh thần chỉ đạo của Chính phủ về việc đẩy mạnh Chính phủ điện tử.
Về công tác ứng dụng công nghệ thông tin, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử và kết nối với trục liên thông điện tử của Ủy ban, ông Trần Công Hòa - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Thông tin đánh giá, tuy nguồn nhân lực trong lĩnh vực này còn hạn chế nhưng Vinafor đã hoàn thành các kết nối mang tính nghiệp vụ. Thời gian tới, Tổng công ty cần cần nâng cấp nhanh chóng các hệ thống công nghệ thông tin gồm nhiều phân hệ như giám sát đầu tư dự án, công tác pháp chế.



Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Ngọc Cảnh

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Ngọc Cảnh cho rằng, về định hướng chiến lược trong thời gian tới, chủ trương tập trung vào ngành nghề kinh doanh chính trong lĩnh vực lâm nghiệp là đúng đắn, đồng thời Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Cảnh cũng lưu ý, trong một số lĩnh vực đầu tư mới, các Vụ chức năng cần phối hợp chặt chẽ với Vinafor, từ đó, tính toán thị trường, sức cạnh tranh, đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn, bảo toàn nguồn vốn đầu tư của Nhà nước.
Trong công tác tài chính, Vinafor cần thực hiện công khai, minh bạch trong đầu tư, quản lý tài chính, mua sắm, phân phối thu nhập, trong ký kết và thực hiện các hợp đồng với những người có liên quan đến người quản lý doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; công khai và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn tự có, nguồn vốn nhàn rỗi; đồng thời, rà soát và trích lập dự phòng các khoản đầu tư tài chính tại doanh nghiệp còn đang thua lỗ theo đúng quy định của nhà nước nhằm đảm bảo an toàn về tài chính cho Tổng công ty.



Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh phát biểu kết luận

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh đánh giá, trong bối cảnh năm 2020 nhiều khó khăn, nhưng tập thể lãnh đạo và người lao động Vinafor đã có nhiều cố gắng, duy trì được sự ổn định trong tổ chức, hoạt động của doanh nghiệp và một số mặt hoạt động có tiến triển tích cực rõ nét; kết quả sản xuất kinh doanh 8 tháng 2020 khả quan, có thể đạt vượt kế hoạch năm 2020 đã được Ủy ban giao; duy trì, tăng cường được sự phối hợp giữa cổ đông nhà nước với cổ đông chiến lược vì mục tiêu chung; có sự quan tâm tốt đến đời sống vật chất, tinh thần của người lao động.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, sử dụng và quản lý phần vốn nhà nước tại Tổng công ty, Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh chỉ đạo Vinafor phối hợp với các vụ chức năng của Ủy ban báo cáo Lãnh đạo Ủy ban xem xét chỉ đạo về phương án sắp xếp tổng công ty, kế hoạch sản xuất kinh doanh 5 năm 2021 – 2025, trong đó làm rõ các nhiệm vụ an ninh, quốc phòng, nhiệm vụ công ích, nhiệm vụ sản xuất kinh doanh phù hợp với ngành nghề chính của Tổng công ty. Định kỳ rà soát, đánh giá, báo cáo Ủy ban về mô hình quản lý, quản trị, điều hành công ty cổ phần có vốn chi phối (51% vốn điều lệ) của Nhà nước; cơ chế, phối hợp hoạt động của cổ đông nhà nước với cổ đông ngoài nhà nước, trong đó có cổ đông chiến lược. Từ đó đề xuất giải pháp, kiến nghị để tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, bảo toàn phát triển vốn nhà nước tại Tổng công ty.
Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh yêu cầu Vinafor tiếp tục đổi mới quản trị doanh nghiệp trên tất cả các mặt phù hợp với chuẩn mực quốc tế nhằm nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong sản xuất, kinh doanh, chú trọng nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, sức cạnh tranh và phát triển bền vững. Tăng cường giám sát việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản, đất đai tại các đơn vị thành viên; không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản của công ty cổ phần, sử dụng đất không đúng quy định của nhà nước.
Người đứng đầu Ủy ban yêu cầu Vinafor tăng cường ứng dụng những giải pháp công nghệ thông tin, tiếp cận cách mạng công nghệ 4.0 vào hoạt động sản xuất và quản lý điều hành Tổng công ty. Đảm bảo công tác kết nối thông tin với Ủy ban kịp thời; nghiên cứu phối hợp với Trung tâm thông tin trong việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đất và quản lý rừng trồng của Tổng công ty.

Một số hình ảnh tại buổi làm việc:

Ông Nguyễn Quế Dương – Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Nông nghiệp


Ông Phạm Tuấn Anh – Vụ trưởng Vụ Tổng hợp


Vụ trưởng Nguyễn Cảnh Toàn - Vụ Tổ chức cán bộ


Bà Vũ Thị Nhung – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Kiểm soát nội bộ


Ông Nguyễn Thành Công – Phó Chánh Văn phòng Ủy ban


Ông Trần Công Hòa - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Thông tin


Ông Lê Quốc Khánh - Thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Vinafor

Nguồn cmsc.gov.vn
Kết thúc phiên
Giá tham chiếu
Khối lượng

Đăng nhập

Liên kết website

Thống kê truy cập

Số người online: 230
Tổng số truy cập: 5527166