Vietnamese English

TỔNG CÔNG TY LÂM NGHIỆP VIỆT NAM - CÔNG TY CỔ PHẦN




Hội nghị quản lý tài sản, rừng và đất rừng tại công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đình Lập và Lộc Bình

18/08/2015
Ngày 14/8/2015, tại Huyện Lộc Bình – Tỉnh Lạng Sơn, Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn và Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam đồng tổ chức Hội nghị quản lý tài sản, rừng và đất rừng tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đình Lập và Lộc Bình; Hội nghị do đ/c Lý Vinh Quang – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn và đ/c Phạm Quang Hiển – Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam đồng chủ trì.

Tham dự Hội nghị gồm có:
Về phía Tỉnh Lạng Sơn có đại diện lãnh đạo các sở Kế hoạch – Đầu tư, Chi cục Kiểm Lâm, Sở NN & PTNT, Sở Tài chính, Sở TNMT, Sở Công an và Văn phòng UBND; Về phía Huyện Đình Lập và Lộc Bình có các đ/c Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch, phó chủ tịch UBND huyện cùng các ban ngành của Huyện và các đ/c là Bí thư, chủ tịch của gần 20 xã, thị trấn nơi có rừng và đất rừng của 2 Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đình Lập và Lộc Bình.

Về phía Tổng công ty có các đ/c trong Hội đồng thành viên, Kiểm soát viên, Ban điều hành cùng một số trưởng phòng ban Tổng công ty lâm nghiệp Việt Nam và lãnh đạo, cán bộ chủ chốt của 2 Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lộc Bình và Đình Lập.
 
Đ/c Lý Vinh Quang – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng sơn và đ/c Phạm Quang Hiển – Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Lâm nghiệp VN đồng chủ trì Hội nghị

Thực hiện mục tiêu chiến lược của ngành lâm nghiệp là “Xây dựng vùng nguyên liệu gỗ lớn tại Vùng Đông Bắc với quy mô lớn nhất cả nước”; Theo Quyết định số 1565/QĐ-BNN-TCLN, ngày 08 tháng 7 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt “Đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp”. Ngày 25/4/2015, Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn đã có Quyết định số 655/QĐ-UBND và Quyết định số 656/QĐ-UBND chuyển giao 02 Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đình Lập và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lộc Bình về  Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam để tái cơ cấu nhằm ổn định và từng bước phát triển ổn định, bền vững 02 công ty Lâm nghiệp Đình Lập và Lộc Bình theo mục tiêu chiến lược chung của Ngành.

Đ/c Lý Vinh Quang – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn 

Trong quá trình thực hiện rà soát đất đai trên thực địa, để xây dựng phương án sử dụng đất phục vụ tái cơ cấu, tình trạng người dân tự ý lấn chiếm đất và tự ý khai thác tài sản từ rừng của các công ty diễn ra trên diện rộng, đã tồn tại từ nhiều năm nay. Theo báo cáo của 2 Công ty thì hiện tại, tình trạng lấn chiếm đất diễn ra theo một số hình thức chủ yếu sau đây:
      - Người dân chặt phá rừng của công ty lấy gỗ và chiếm đất.
     - Đất trống, đất sau khai thác Công ty chưa kịp trồng rừng thì người dân ngang nhiên đưa cây vào trồng.

Hầu hết đất các hộ dân đã lấn chiếm thì công ty vẫn chưa thu lại được để trồng rừng và cho đến nay tình trạng lấn chiếm đất vẫn đang diễn ra. Mặc dù. trong những năm qua công ty, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng đã tham gia xử lý nhiều vụ việc lấn, chiếm đất trái phép của công ty, tuy nhiên việc lấn chiếm vẫn chưa chấm dứt.

Ngoài việc lấn chiếm đất rừng, người dân còn tự ý khai thác nhựa thông tại các khu vực rừng trồng của 2 Công ty này; Trong đó, chủ yếu là rừng non từ 1 đến 20 năm tuổi; Đặc biệt những lô rừng từ 10 năm tuổi trở lên đã và đang bị khai thác lấy nhựa, việc này dẫn đến tình trạng rừng chậm phát triển, chất lượng rừng kém, bị suy giảm, có khả năng phải khai thác trắng nhiều ha rừng để trồng lại, việc này gây tổn thất không ít cho doanh nghiệp.

Đ/c Phạm Quang Hiển – Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Lâm nghiệp VN

Những vấn đề nổi cộm trên diễn ra không ít ở một số địa phương trên cả nước nói chung và tại hai Công ty Đình Lập và Lộc Bình nói riêng. Đại biểu Hội nghị đã thảo luận đưa ra các giải pháp nhằm chấm dứt tình trạng tự ý khai thác tài sản, lấn chiếm rừng, đất rừng tại 2 Công ty nói riêng và trên địa bàn tỉnh nói chung, nhiều đại biểu đã có ý kiến cần phải tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng là bảo vệ tài sản Nhà nước, đồng thời các doanh nghiệp cũng cần có cơ chế đảm bảo lợi ích hài hòa với các hộ dân khi tham gia trồng rừng và bảo vệ rừng; Mặt khác cần có biện pháp xử lý nghiêm minh đối với các trường hợp xâm phạm đến tài sản, rừng và đất rừng .

Tại Hội nghị này Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam đã kiến nghị tới Lãnh đạo Tỉnh cùng các Sở ban ngành của tỉnh cũng như của địa phương cần chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra, để xử lý nghiêm minh, kịp thời đúng theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân lấn chiếm đất đai, chặt phá rừng; khai thác, vận chuyển, mua bán, cất trữ, chế biến gỗ và nhựa thông trái phép. Thành lập ban chỉ đạo cấp tỉnh để chỉ đạo công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó cần tập trung vào địa bàn huyện Đình Lập và Lộc Bình; Hướng dẫn các đơn vị lâm nghiệp làm thủ tục để sớm bàn giao nguyên trạng diện tích đất không có nhu cầu sử dụng về địa phương và làm thủ tục để được cấp GCNQSDĐ đối với diện tích đất doanh nghiệp tiếp tục thuê; Thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân trên địa bàn xã, thị trấn để người dân có nhận thức tốt về công tác phát triển rừng; không chặt phá rừng, khai thác nhựa thông trái phép; không tham gia lấn chiếm đất đai của doanh nghiệp; ký hợp đồng nhận khoán trồng rừng với doanh nghiệp trên diện tích mà họ đã chiếm của doanh nghiệp trong những năm gần đây.

Cùng với các ý kiến tham luận của các đại biểu và các kiến nghị của Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam đồng chí Lý Vinh Quang – Phó chủ tịch UBND tỉnh đã đánh giá về thực trạng rừng, đất rừng bị lấn chiếm cũng như người dân tự ý khai thác nhựa thông đã diễn ra từ nhiều năm nay do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan; Về phía 2 Công ty chưa quản lý tốt, việc bảo vệ rừng buông lỏng, thiếu tuần tra, bảo vệ, bên cạnh đó khả năng về tài chính có hạn nên việc đo đạc để đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chưa được thực hiện; Các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương chưa làm tròn trách nhiệm, chưa xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm nên dẫn đến việc tự ý chặt phá rừng, lấn chiếm đất rừng xâm hại đến tài sản của công ty.

Đ/c đã chỉ đạo và kết luận Hội nghị, về phía 2 công ty cần có cơ chế khoán, cơ chế phối hợp, giải quyết hài hòa lợi ích của người dân và công ty; chủ động phối hợp với địa phương tuyên truyền, vận động người dân trên địa bàn xã, thị trấn để người dân có nhận thức tốt về công tác phát triển rừng; không chặt phá rừng, khai thác nhựa Thông trái phép; không tham gia lấn chiếm đất đai của doanh nghiệp; ký hợp đồng nhận khoán trồng rừng với doanh nghiệp.

Đối với các sở ngành, chính quyền địa phương, cơ quan pháp luật trong thời gian tới cần tăng cường công tác tham mưu với lãnh đạo địa phương và phối hợp với đơn vị tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về việc quản lý và bảo vệ rừng là bảo vệ tài sản của nhà nước, đây là trách nhiệm của toàn dân; Việc  tự ý lấn chiếm, khai thác tài sản, rừng và đất rừng là vi phạm pháp luật, xâm hại đến tài sản của Nhà nước sẽ bị sử lý nghiêm minh; Để từ đó người dân nâng cao nhận thức cùng tham gia quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên rừng nói riêng và tài nguyên của đất nước nói chung.



Kết thúc phiên
Giá tham chiếu
Khối lượng

Đăng nhập

Liên kết website

Thống kê truy cập

Số người online: 345
Tổng số truy cập: 5521963