Trung tâm Thông tin đã thực hiện khảo sát 19 doanh nghiệp trực thuộc Ủy ban về các vấn đề liên quan tới xây dựng Trục liên thông văn bản điện tử của Ủy ban. Theo đó, hiện nay do mỗi doanh nghiệp sử dụng nền tảng công nghệ khác nhau, nên rất cần thiết phải xây dựng trục tích hợp dữ liệu để đảm bảo sự đồng bộ chia sẻ thông tin, báo cáo phục vụ công việc. Các doanh nghiệp sẽ liên thông qua trục với Ủy ban để kết nối các Bộ, ngành, địa phương thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia. Do đó, doanh nghiệp cần khẩn trương đầu tư nâng cấp, hoàn thiện Phần mềm quản lý văn bản, đáp ứng yêu cầu chuẩn dữ liệu theo quy định.
“Nếu xây dựng thành công mô hình Chính phủ điện tử, cả Ủy ban và doanh nghiệp sẽ cùng đạt được mục tiêu nâng cao năng lực quản trị; đổi mới công nghệ, tiết kiệm và gia tăng lợi nhuận; kết nối chặt chẽ, từ đó nâng cao hiệu quả vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có thế mạnh về công nghệ trong Ủy ban cùng cần tích cực hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác nghiên cứu và triển khai với các doanh nghiệp khác” - ông Trần Công Hòa nhấn mạnh.
Chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi số giữa các doanh nghiệp Thảo luận tại Hội thảo, nhiều đại biểu đã chia sẻ những thông tin, trao đổi kinh nghiệm thực tế trong quá trình triển khai công tác chuyển đổi số trong quản lý hành chính.
Ông Tô Dũng Thái – Phó Tổng Giám đốc VNPT Ông Tô Dũng Thái - Phó Tổng Giám đốc VNPT cho biết: Là doanh nghiệp đi đầu về chuyển đổi số, VNPT đang triển khai Hệ thống Trục liên thông văn bản quốc gia cho Chính phủ. Trục liên thông văn bản quốc gia được kết nối, liên thông với Hệ thống quản lý văn bản và điều hành của các Bộ, ngành, địa phương qua Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước. Đây là công cụ hỗ trợ đắc lực cho quá trình đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam; nâng cao năng suất đội ngũ cán bộ, tối ưu hoạt động điều hành của các cơ quan Nhà nước, chuyển đổi mô hình quản trị từ bị động sang dự báo chủ động; giúp kết nối và phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội đất nước.
Đến nay, VNPT đã ký kết hợp tác toàn diện về CNTT và công nghệ thành phố thông minh với 53 UBND tỉnh, thành phố nhằm phối hợp tối đa các địa phương trong việc ứng dụng CNTT vào quản lý điều hành và phát triển kinh tế. Tính đến hết năm 2018, VNPT đã bàn giao nhiều dự án về du lịch, nông nghiệp, chính quyền điện tử và thành phố thông minh cho nhiều tỉnh, thành phố. Đồng thời VNPT đã ký hợp tác chuyển đổi số cho các Bộ ngành và các Tập đoàn, Tổng Công ty lớn, trong đó có cả phần hợp tác quốc tế và chuyển giao công nghệ.
Ông Nguyễn Đức Kiên – Chuyên gia CNTT của VNPT Trình bày tham luận về chuyển đổi số cho các doanh nghiệp lớn, ông Nguyễn Đức Kiên - chuyên gia CNTT của VNPT nhấn mạnh: Trục liên thông văn bản quốc gia là nền tảng cốt lõi đảm bảo xây dựng thành công Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, xã hội số và nền kinh tế số. Những công nghệ của VNPT cho phép trao đổi dữ liệu giữa các hệ thống thông tin dựa trên kiến trúc phân tán hoặc tập trung tùy theo yêu cầu. Bên cạnh đó, những hệ thống mà VNPT triển khai đã giảm thiểu sự phức tạp trong việc giao tiếp giữa các hệ thống cũng như đảm bảo tính sẵn sàng, toàn vẹn, bảo mật dữ liệu trong quá trình trao đổi thông tin.
Theo ông Nguyễn Đức Kiên, VNPT cung cấp dịch vụ truyền nhận dữ liệu giữa các hệ thống thông tin của Ủy ban với 19 Tập đoàn, Tổng Công ty trực thuộc với nhau và có thể kết nối vào Trục liên thông Văn bản quốc gia. Theo đó, Ủy ban hoạt động như một trung tâm kết nối cho 19 doanh nghiệp nhà nước để có thể gửi nhận dữ liệu với Chính phủ, Bộ, ngành và địa phương.
Ông Lê Hồng Hà - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines)
Ông Lê Hồng Hà - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cho biết: Các hãng hàng không trên thế giới đã có quá trình phát triển vượt bậc trong quản lý số. Đây là xu thế bắt buộc trong ngành hàng không toàn cầu, trước những sự tiến bộ không ngừng các nền tảng số, thu hút khách hàng với những công nghệ mới. Hiện Vietnam Airlines đang trong giai đoạn xây dựng cơ sở chuyển đổi số. Mục tiêu của Vietnam Airlines đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong năm 2020, tiến tới mục tiêu trở thành hãng hàng không số. Những tiện ích đem lại trong quá trình chuyển đổi số sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả phân tích thị trường, mạng đường bay và báo cáo thương mại.
Ông Nguyễn Xuân Tuấn – Trưởng ban Viễn thông và CNTT (EVN)
Chia sẻ về quá trình và kinh nghiệm triển khai hệ thống văn phòng điện tử và chữ ký số tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), ông Nguyễn Xuân Tuấn - Trưởng ban Viễn thông và CNTT cho biết: Ngay từ những năm 2000, EVN đã đặt mục tiêu quản lý văn bản thông qua hệ thống điện tử, tạo tiền đề cho quá trình xây dựng văn phòng điện tử sau này. Ở thời điểm đó, trước những yếu tố về công nghệ, khung pháp lý quản lý văn bản điện tử, EVN đã quyết tâm, tìm hướng chuẩn hóa, đồng bộ văn bản, đi đầu trong việc khuyến khích cán bộ và khách hàng sử dụng ứng dụng văn bản điện tử.
“Sau gần 20 năm thực hiện, EVN đã xây dựng và phát triển phần mềm văn phòng điện tử qua 3 phiên bản với 100% đơn vị trong hệ thống sử dụng, chu trình xử lý văn bản đã khép kín, không lưu hành văn bản giấy trong Hội đồng thành viên. Văn bản giấy đến tập đoàn đều được số hóa, ở chiều ngược lại, văn bản đi được số hóa 90%” – ông Nguyễn Xuân Tuấn cho hay.
Ông Nguyễn Quốc Huy - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC)
Cũng tại phiên thảo luận, ông Nguyễn Quốc Huy - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đưa ra đề xuất quá trình số hóa quản lý hành chính và xây dựng Trục liên thông văn bản cần đảm bảo tính đồng bộ, xuyên suốt, có như vậy mới đảm bảo tính hiệu quả.
Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Phú Hà yêu cầu Trung tâm Thông tin cần tính toán kỹ lưỡng cách thức thực hiện liên quan tới đối tượng cần liên thông, những nội dung, phạm vi liên thông khi xây dựng Trục liên thông văn bản. Phó Chủ tịch cũng giao nhiệm vụ cho Trung tâm Thông tin phối hợp cùng các đơn vị đầu mối làm công tác CNTT của 19 Tập đoàn, Tổng Công ty trực thuộc xây dựng dự thảo chương trình kế hoạch. Thời gian tới, Ủy ban sẽ tiếp tục mời những tổ chức, chuyên gia công nghệ để thảo luận, trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ thêm về vấn đề này.
Theo cmsc.gov.vn