Vietnamese English

TỔNG CÔNG TY LÂM NGHIỆP VIỆT NAM - CÔNG TY CỔ PHẦN




Vinafor xây dựng Đề án tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh

21/06/2022
Sáng 20/6, tại Hà Nội, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Đỗ Hữu Huy đã có buổi làm việc với Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor) về rà soát Đề án cơ cấu lại Vinafor.

Tham dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo Vụ Nông nghiệp, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Tổng hợp, Vụ Pháp chế, Kiểm soát nội và Văn phòng (Ủy ban). Về phía Vinafor có ông Phí Mạnh Cường – Chủ tịch Hội đồng quản trị, ông Lê Quốc Khánh – Tổng giám đốc cùng các thành viên Hội đồng quản trị và Ban điều hành.
Báo cáo tại buổi làm việc, đại diện Vinafor cho biết, trong giai đoạn 2016 - 2020, kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng năm của Tổng công ty đều cơ bản hoàn thành vượt các chỉ tiêu kế hoạch do cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước và Đại hội đồng cổ đông giao. Đặc biệt chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế, cổ tức, tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn điều lệ đều hoàn thành vượt, đạt cao, bảo toàn và phát triển vốn cổ đông (trong đó có vốn Nhà nước), nộp ngân sách đầy đủ. Tổng giá trị cổ tức Tổng công ty được chia cho phần vốn nhà nước trong giai đoạn 2016 - 2020 đạt trên 1.015 tỷ đồng. Bên cạnh các kết quả hoạt động về kinh tế, Tổng công ty cũng đạt được các kết quả tích cực về xã hội, quốc phòng - an ninh.
Đối với hoạt động chế biến gỗ, Tổng công ty đã đóng góp vào việc phát triển ngành chế biến gỗ nói chung, tạo đầu ra ổn định cho bà con trồng rừng, đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam. Tổng công ty đã và đang trở thành trung tâm liên kết sản xuất đối với nhân dân trong vùng, dẫn dắt bà con vùng dân tộc thiểu số, miền núi làm lâm nghiệp trên chính mảnh đất của họ. Việc mang lại lợi ích cho người dân cũng như đóng góp cho địa phương cũng chính là góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn chiến lược, biên giới, vùng sâu, vùng xa, góp phần giữ vững ổn định chính trị, xã hội, phát triển nông nghiệp bền vững và xây dựng nông thôn mới. Là công ty niêm yết, đại chúng quy mô lớn, Vinafor đã tuân thủ các quy định pháp luật về quản trị nội bộ, đảm bảo công khai minh bạch các hoạt động. Năng lực quản trị, quản lý, chất lượng trồng và quản lý bảo vệ rừng được nâng cao rõ rệt, tình trạng lấn chiếm đất rừng đã được hạn chế.
Theo đại diện Vinafor, mục tiêu, định hướng chung của Đề án cơ cấu lại Tổng công ty là nâng cao hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh của Tổng công ty trên cơ sở là nền tảng công nghệ hiện đại; đổi mới phương thức quản lý, quản trị theo chuẩn mực quốc tế; củng cố và phát triển thương hiệu Vinafor trên thị trường trong và ngoài nước. Về cơ bản, Vinafor sẽ hoàn thành việc sắp xếp lại các đơn vị thành viên, đặc biệt là các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực sản xuất lâm nghiệp, sản xuất, kinh doanh cây giống và một số đơn vị mang tính cấp bách; tập trung xử lý dứt điểm tại các đơn vị yếu kém, các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả của các đơn vị thành viên.
Đồng thời, Đề án cũng hướng tới mở rộng và phát triển một số đơn vị thành viên có quy mô lớn, có hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả và phù hợp với ngành nghề chính của Tổng công ty, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Vinafor đặt mục tiêu: Sản xuất và cung ứng hằng năm bình quân khoảng từ 30 - 34 triệu cây mầm, cây giống lâm nghiệp chất lượng cao phục vụ cho trồng rừng của Tổng công ty và đáp ứng nhu cầu thị trường trên cả nước. Diện tích khai thác và tạo rừng mới bình quân khoảng từ 2.500 - 3.000 ha/năm; năng suất rừng trồng mới giai đoạn 2021-2025 đến khi khai thác đạt bình quân phấn đấu từ 20m3/ha/năm; quản lý rừng bền vững cơ bản trên toàn bộ diện tích quản lý sử dụng, phấn đấu đến năm 2025 có 6 đơn vị được cấp chứng chỉ FSC.

Ông Đỗ Hữu Huy - Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phát biểu kết luận buổi làm việc

Sau khi lắng nghe báo cáo của Vinafor, ý kiến đóng góp của đại diện lãnh đạo các Vụ chức năng, phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch  Đỗ Hữu Huy đánh giá phương án cơ cấu lại Vinafor được xây dựng bài bản, đúng quy trình. Nội dung Đề án cơ bản đã bám sát các nội dung theo quy định tại Khoản 4, Điều 1, Quyết định số 360/QĐ-TTg, Công văn 765/UBQLV-NN ngày 10/6/2022 của Ủy ban, đảm bảo xây dựng các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp sắp xếp, đổi mới để phát triển và nâng cao hiệu quả của Tổng công ty.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Đỗ Hữu Huy đề nghị Người đại diện phối hợp với Hội đồng quản trị Tổng công ty khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc các ý kiến tại cuộc họp, các nội dung cần rà soát, hoàn thiện. Theo Phó Chủ tịch Ủy ban, công tác sắp xếp các công ty thành viên, nhất là thoái vốn, bổ sung vốn cần bổ sung kế hoạch hàng năm, phương án cụ thể theo trình tự ưu tiên hợp lý nhằm phát huy tốt hơn nguồn lực của Tổng công ty. Phó Chủ tịch Đỗ Hữu Huy cũng giao Người đại diện vốn nhà nước tại Tổng công ty chỉ đạo Tổng công ty phối hợp với các Vụ chức năng để hoàn thiện, bổ sung hồ sơ trình Ủy ban xem xét trong tháng 6/2022.

*Một số hình ảnh tại buổi làm việc:

Ông Nguyễn Quế Dương - Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp (Ủy ban) phát biểu tại buổi làm việc

Ông Nguyễn Ngọc Quý - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Ủy ban) phát biểu tại buổi làm việc

Bà Nguyễn Thị Thu Bình - Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (Ủy ban) phát biểu tại buổi làm việc

Bà Vũ Thị Nhung - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Kiểm soát nội bộ (Ủy ban) phát biểu tại buổi làm việc

Ông Phí Mạnh Cường - Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinafor báo cáo tại buổi làm việc

Nguồn cmsc.gov.vn
Kết thúc phiên
Giá tham chiếu
Khối lượng

Đăng nhập

Liên kết website

Thống kê truy cập

Số người online: 333
Tổng số truy cập: 6499521