Vietnamese English

TỔNG CÔNG TY LÂM NGHIỆP VIỆT NAM - CÔNG TY CỔ PHẦN




VINAFOR hiệu quả kép từ đổi mới kinh doanh

04/10/2019
Tròn 24 năm hình thành và phát triển (4/10/1995 – 4/10/2019), Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (VINAFOR) đã phát triển lớn mạnh không ngừng, doanh thu, lợi nhuận liên tục tăng cao, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước; quản trị, kinh doanh từng bước đổi mới, phát triển. 

Cuộc sống đổi thay trên những cánh rừng
Thành quả VINAFOR có được một phần do đã thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 28-NQ/TW và Nghị quyết số 30-NQ/TW về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp, thu “hiệu quả kép” khi vừa nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và đời sống cho người dân miền núi, vừa giữ bình yên khu vực biên giới thiêng liêng của Tổ quốc.
Hoạt động trong lĩnh vực lâm nghiệp, VINAFOR nhận thức sâu sắc ngoài mục tiêu kinh tế, vai trò xã hội, môi trường, an ninh quốc phòng vô cùng quan trọng. Việc trồng rừng của VINAFOR luôn gắn với đời sống người trồng rừng, góp phần nâng cao đời sống, thực hiện vai trò dẫn dắt người dân trên địa bàn. Hiểu rằng bà con chính là “cánh tay nối dài” trong công tác sản xuất kinh doanh, VINAFOR đặc biệt coi trọng là nâng cao nhận thức cho người dân về công tác trồng rừng, hướng dẫn họ phát triển nghề rừng. Đồng thời, tạo nền móng vững chắc, hiệu quả cho hoạt động này bằng cách nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong quản lý rừng, chọn và tạo giống mới phù hợp với từng vùng miền, nhân giống cây cho năng suất, chất lượng cao, áp dụng kỹ thuật trồng rừng thâm canh cao để cùng người dân mang lại hiệu quả trồng rừng cao nhất. Hoạt động này đã từng bước làm thay đổi đời sống người dân miền núi và đẩy mạnh phát triển kinh tế lâm nghiệp miền núi, vùng sâu, vùng xa; góp phần xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Rừng trồng bạch đàn cao sản của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lộc Bình

Những thành công điển hình của hai doanh nghiệp trực thuộc VINAFOR gồm Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lộc Bình và Đình Lập đã chứng minh rõ nét điều này. Hai doanh nghiệp cùng được giao về VINAFOR vào tháng 5/2015, đến nay đời sống người lao động, người dân trên địa bàn đã từng bước được cải thiện rõ rệt. Ông Ngô Văn Thắng - Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lộc Bình - chia sẻ, trước kia, đời sống bà con khu vực hai địa phương này rất khó khăn. Chưa kể, khi hoạt động với mô hình 100% vốn nhà nước, đời sống cán bộ, công nhân viên (CBCNV) công ty tương đối thấp. Tuy nhiên, sau khi chuyển về VINAFOR, công ty đã tiến hành đổi mới hoạt động, đầu tư vào sản xuất, quy hoạch vùng trồng bạch đàn cao sản rộng hàng nghìn ha. Bên cạnh đó, công ty cũng tiến hành cải tạo lại đất trồng rừng, tạo điều kiện cho cây trồng đạt năng suất và hiệu quả cao. Đồng thời, công ty còn phối hợp với bà con tổ chức trồng rừng và quản lý tốt hoạt động lâm nghiệp tại địa phương.
Theo chỉ đạo của VINAFOR trong công tác trồng rừng, công ty tập trung ứng dụng khoa học - kĩ thuật trồng rừng thâm canh cao, đưa máy móc, giống mới tiên tiến để hướng dẫn bà con sản xuất, thay thế cách làm thủ công trước đây. Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, công ty luôn quan tâm bồi dưỡng tay nghề cho đội ngũ CBCNV. Hiện, 100% người lao động được kí hợp đồng, trang bị bảo hộ lao động và thực hiện đúng, đầy đủ các quy định về quyền và nghĩa vụ người sử dụng lao động. Hoạt động của công ty đã đi vào nề nếp, ổn định đời sống, lương của CBCNV tăng cao nhiều lần so với trước đây, đời sống bà con khu vực công ty quản lý cũng có nhiều đổi thay.

Vùng trồng bạch đàn cao sản hứa hẹn sẽ cho thu hoạch hiệu quả sau 6 năm trồng

Một điển hình khác là Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đình Lập, ông Nguyễn Trung Thắng - Giám đốc công ty - cho hay, từ khi chuyển về VINAFOR, Công ty hoạt động theo 3 mô hình: Mô hình công ty tự tổ chức thực hiện (quốc doanh), công ty tự trồng và quản lý toàn bộ; Mô hình công ty tự tổ chức trồng rừng, trồng xong giao khoán cho bà con quản lý, bảo vệ để bà con có việc làm và mai sau có phần hưởng lợi trên khu rừng khi tổ chức khai thác; Mô hình trồng rừng khoán hộ, hợp tác với bà con, hai bên cùng đầu tư góp vốn trên mảnh đất của công ty, cuối chu kỳ sản phẩm đó sẽ chia theo tỷ lệ góp vốn.
Để đạt hiệu quả cao trong hoạt động sản xuất kinh doanh, công ty đưa các giống mới có năng suất chất lượng cao cùng với các giải pháp về kỹ thuật lâm sinh để xây dựng các khu rừng trồng nguyên liệu tập trung nhằm rút ngắn chu kỳ kinh doanh và mang lại hiệu quả kinh tế cho người trồng rừng. Đây cũng chính là những mô hình trình diễn cho bà con nông dân học hỏi để thay đổi phong tục tập quán canh tác.
Những năm qua, công ty tập trung cải tạo rừng cũ hiệu quả thấp để trồng lại rừng mới có hiệu quả cao hơn, phấn đấu mỗi năm trồng khoảng 300 – 400 ha. Ngoài trồng rừng lấy gỗ, công ty đang tiếp tục nghiên cứu đưa các cây đặc sản khác (quế, hồi, sa nhân, thảo quả…) vào trồng để đa dạng cây trồng nhằm phát triển lâm nghiệp bền vững. Công ty hy vọng, trong thời gian tới sẽ xây dựng được vùng lâm nghiệp phát triển tốt, làm giàu từ nghề rừng ngay trên mảnh đất được thuê ở vùng biên cương của Tổ quốc.

Góp phần giữ vững an ninh quốc phòng

VINAFOR có 4 đơn vị đóng tại tỉnh Lạng Sơn. Xác định hoạt động ở khu vực trọng yếu về quốc phòng, an ninh của đất nước, hoạt động của VINAFOR không đơn giản là sản xuất, kinh doanh mà còn phải góp phần cùng các địa phương giữ vững an ninh trật tự khu vực biên giới của Tổ quốc.

Dân quân huyện Đình Lập tham gia diễn tập phòng, chống cháy rừng

Nếu như trước đây, đời sống vật chất, tinh thần của người dân tại địa bàn biên giới, vùng sâu, vùng xa rất thấp là nguyên nhân dễ gây mất trật tự an ninh xã hội trong vùng thì hiện nay, nhờ việc tổ chức sản xuất, các doanh nghiệp đã tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập từ nghề rừng cho người dân vùng biên giới. Việc phối hợp chặt chẽ với bà con thông qua hoạt động trồng rừng giúp các công ty gần gũi, hiểu, nắm bắt và định hướng tư tưởng chính trị kịp thời cho người dân. Chưa kể, thông qua hoạt động quản lý bảo vệ rừng, công ty đã phối hợp với chính quyền địa phương thường xuyên tuần tra, phát hiện và ngăn ngừa kịp thời các hiện tượng mất trật tự an ninh, không để kẻ xấu kích động, xúi giục đồng bào dân tộc, lợi dụng địa bàn vùng rừng núi hiểm trở, khó khăn làm nơi ẩn náu. Công tác lâm nghiệp đã tạo khối đoàn kết thống nhất người dân trong khu vực, tạo điều kiện cho họ phát triển kinh tế, giúp gắn bó hơn với địa phương, góp phần hạn chế tình trạng du canh, giảm thiểu việc tranh chấp lấn chiếm như trước đây và an ninh quốc phòng được giữ vững.
Phát huy những kết quả đạt được, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lộc Bình và Đình Lập đang đặt mục tiêu tiếp tục nhập và chuyển giao các giống mới có năng suất chất lượng cao đưa vào trồng thử nghiệm, nhằm lựa chọn được các giống cây trồng phù hợp với điều kiện lập địa tại địa phương. Đồng thời, với mong muốn tạo ra vùng nguyên liệu tập trung, hai công ty cũng có kế hoạch xây dựng cơ sở chế biến lâm sản tại địa phương để tạo sự gắn kết người dân sở tại thông qua việc liên doanh liên kết các mô hình đầu tư trồng rừng và bao tiêu sản phẩm, chú trọng theo hướng liên kết sản xuất gắn chế biến với tiêu thụ.
Đó là những bước chuyển mình mạnh mẽ trên con đường phát triển của hai đơn vị thành viên thuộc VINAFOR. Trong chiến lược phát triển lâm nghiệp, VINAFOR đang và sẽ tiếp tục nâng cấp hệ thống quản lý và xây dựng mô hình quản lý rừng bền vững, hướng tới cấp chứng chỉ rừng FSC cho hai công ty này.
Trong suốt chặng đường 24 năm phát triển, VINAFOR luôn duy trì ngành nghề chính là sản xuất lâm nghiệp. Đây là con đường đầy chông gai, nhiều thử thách nhưng không ít niềm tự hào. VINAFOR tự hào góp phần vào sự nghiệp phát triển ngành lâm nghiệp - luôn giữ vai trò quan trọng, đóng góp giá trị trên các mặt kinh tế, xã hội, môi trường và an ninh quốc phòng của đất nước.

Nguồn "Báo Công Thương Điện Tử"
Kết thúc phiên
Giá tham chiếu
Khối lượng

Đăng nhập

Liên kết website

Thống kê truy cập

Số người online: 268
Tổng số truy cập: 6500853