Vietnamese English

TỔNG CÔNG TY LÂM NGHIỆP VIỆT NAM - CÔNG TY CỔ PHẦN




Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa vùng trồng

31/07/2024

Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo Vụ Nông nghiệp, Vụ Tổng hợp, Vụ Pháp chế, Kiểm soát nội bộ, Vụ Tổ chức cán bộ và Văn phòng Ủy ban; cùng đại diện Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương, Cục An ninh Kinh tế và Cục Cảnh sát Kinh tế (Bộ Công an).

Về phía Vinafor, có ông Phí Mạnh Cường – Chủ tịch Hội đồng quản trị, ông Đỗ Vinh Quang - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, ông Lê Quốc Khánh -Thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc; các Thành viên Hội đồng quản trị, Ban Điều hành; đại diện các Ban chức năng và đơn vị thành viên của Tổng công ty.

Thể hiện rõ vai trò của Công ty Mẹ, tạo sự gắn kết giữa các đơn vị thành viên để cùng phát triển

Báo cáo tổng kết công tác quản lý vốn năm 2023, ông Nguyễn Trung Kiên – Thành viên Hội đồng quản trị, Phó Tổng giám đốc Vinafor cho biết: Năm 2023 là năm tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức lớn, tác động xấu, nhiều mặt và ảnh hưởng rất nặng nề không chỉ đối với nước ta mà còn đối với toàn thế giới. Trên thế giới, xung đột chiến tranh kéo dài; phát sinh thêm nhiều xung đột mới, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn; thiên tai, lũ lụt, hạn hán kéo dài trên diện rộng... đã làm cho chuỗi cung ứng bị gián đoạn; giá dầu thô, lương thực, thực phẩm và nhiều vật tư, nguyên liệu đầu vào tăng mạnh; lạm phát tăng cao đột biến ở nhiều quốc gia và đối tác lớn, nhiều Tập đoàn lớn trên thế giới phá sản. Tình hình trong nước cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức mới, nặng nề hơn: giá cả hàng hoá, vật tư, nguyên liệu cho sản xuất, nhất là giá xăng dầu, chi phí đầu vào, vận tải tăng cao, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, ngành, lĩnh vực và đời sống nhân dân... Trước bối cảnh đó, Tổng công ty đã có những chỉ đạo kịp thời, kiên quyết, hợp lý, hiệu quả, đồng thời có những biện pháp hỗ trợ về tài chính, con người đối với những đơn vị gặp khó khăn, thể hiện rõ vai trò của Công ty Mẹ, tạo sự gắn kết giữa các đơn vị thành viên để cùng phát triển.

Ông Nguyễn Trung Kiên – Thành viên Hội đồng quản trị, Phó Tổng giám đốc Vinafor trình bày Báo cáo tổng kết công tác quản lý vốn năm 2023

Theo báo cáo, đa phần các doanh nghiệp có vốn góp hoạt động có hiệu quả, một số doanh nghiệp đạt hiệu quả cao, vượt kế hoạch lợi nhuận được giao. Khối công ty TNHH hai thành viên tiếp tục là khối dẫn đầu về hiệu quả đầu tư. Khối công ty TNHH MTV cũng đạt nhiều kết quả tích cực. Về hoạt động sản xuất, kinh doanh cây giống năm 2023, các đơn vị lâm nghiệp sản xuất và tiêu thụ 37,43 triệu cây giống các loại. Hiện nay, một số đơn vị lâm nghiệp đã và đang triển khai cải tạo mở rộng, nâng cấp vườn ươm với công nghệ hiện đại để tăng công suất sản xuất, tìm kiếm mở rộng thị trường đẩy mạnh tiêu thụ cây giống chất lượng cao theo định hướng chiến lược phát triển của Vinafor. Các đơn vị lâm nghiệp đã phối hợp với Viện khoa học Lâm nghiệp Việt Nam khảo nghiệm giống mới trong nước. Năng suất bình quân các giống mới tại mô hình khảo nghiệm đạt 22-25 m3/ha/năm, tiếp tục theo dõi, trồng thí điểm mở rộng và đưa vào trồng đại trà khi đã được cấp có thẩm quyền công nhận giống.

Về công tác trồng, chăm sóc, quản lý bảo vệ và khai thác rừng, năm 2023, các đơn vị lâm nghiệp đã tạo mới được 2.890 ha rừng; khai thác được 2.613 ha. Vinafor thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị quản lý sử dụng đất đúng mục đích và đúng quy định, nâng cao hiệu quả sử dụng đất; tăng diện tích trồng các giống mới (keo lá tràm, bạch đàn cao sản, keo lai…); trồng rừng tập trung, thâm canh cao, nuôi rừng gỗ có đường kính lớn, đưa một số loài cây bản địa trồng vùng đệm, bờ lô, ven khe… để tăng diện tích rừng trồng. Tổng công ty đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện quy trình kỹ thuật lâm sinh; thẩm định hồ sơ thiết kế khai thác; nâng cao hiệu quả đầu tư trồng rừng; trong năm đã phân loại rừng để khai thác, tiêu thụ bằng nhiều hình thức như tự tổ chức khai thác (chiếm 29% diện tích); bán đấu giá cây đứng (chiếm 24% diện tích); hình thức khác (chiếm 47% diện tích).

Bên cạnh đó, lợi ích đem lại từ các hoạt động đầu tư thể hiện rõ thông qua giá trị kinh tế, giá trị thương hiệu cũng như hình ảnh uy tín của Tổng công ty tại các đơn vị. Phần lớn các doanh nghiệp có vốn góp thực hiện quản trị điều hành đúng quy định pháp luật; đã tăng cường công tác quản lý, kiểm soát chặt chẽ các khoản thu chi, thường xuyên theo dõi, đối chiếu, thu hồi công nợ, trích lập dự phòng theo quy định. Việc phân cấp, phân quyền giữa Vinafor và người quản lý, người đại diện trong điều hành sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp theo từng mô hình hoạt động, quy mô góp vốn của Tổng công ty cơ bản đã thực hiện rõ ràng, minh bạch, bảo đảm quyền tự chủ hơn trong hoạt động của doanh nghiệp. Công tác kiểm tra, giám sát đã được tăng cường, chú trọng đặc biệt tại các đơn vị thuộc diện giám sát đặc biệt theo phương án cơ cấu lại để từng bước khôi phục lại hoạt động, ngành nghề chính, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Đại đa số Người đại diện tuân thủ quy chế, quy định, chỉ đạo của Vinafor, thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ của mình, công tác phối hợp tại các đơn vị cơ bản thực hiện tốt, chất lượng báo cáo của Người đại diện đã được cải thiện rõ rệt so với các năm trước. Người đại diện đã phát huy tốt vai trò của người quản lý phần vốn Tổng công ty, từng bước ổn định đơn vị, ổn định công tác quản lý, bảo vệ rừng và đất rừng, ổn định đời sống người lao động, mang lại kết quả sản xuất, kinh doanh cao. Duy trì, phát triển mối quan hệ tốt giữa Tổng công ty với các đối tác nước ngoài góp phần nâng cao vị thế hình ảnh, uy tín của thương hiệu Vinafor đến với chính quyền địa phương, các đối tác, các đơn vị có vốn góp, người dân địa phương.

6 tháng đầu năm, tổng doanh thu hợp nhất ước đạt 1.028 tỷ đồng

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn – Trưởng Phòng Kế hoạch Đầu tư (Vinafor) trình bày Báo cáo tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh 6 tháng đầu năm 2024

Báo cáo về tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh 6 tháng đầu năm 2024, ông Nguyễn Ngọc Tuấn – Trưởng Phòng Kế hoạch Đầu tư (Vinafor) cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2024, tình hình thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; tình trạng bất ổn an ninh, chính trị leo thang tại một số quốc gia, khu vực; lạm phát tuy đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao; thương mại, đầu tư toàn cầu phục hồi chậm, nhiều nền kinh tế lớn tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ thắt chặt.  Ở trong nước, tình hình kinh tế - xã hội có xu hướng tích cực, kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước. Tỉ lệ lạm phát được kiểm soát < 4%; kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản ước đạt hơn 6 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, ngành gỗ của Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn do nhu cầu thị trường phục hồi chậm, đơn đặt hàng chế biến gỗ xuất khẩu có khả quan hơn nhưng vẫn ở mức thấp và phải đối mặt với một số vấn đề (như chi phí logistics gia tăng, những quy định mới về chống phá rừng của Liên minh châu Âu (EU), sản phẩm gỗ yêu cầu có phát thải carbon thấp, thị trường Mỹ áp quy định về chống bán phá giá…) đã ảnh hưởng trực tiếp tới tính bền vững và làm hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp nói chung và các đơn vị của Tổng công ty nói riêng. Với sự tập trung, hướng dẫn chỉ đạo sát sao kịp thời của Ban lãnh đạo Vinafor, tình hình thực hiện kế hoạch, nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2024 đã đạt được một số kết quả khả quan.

Về kết quả ước thực hiện hợp nhất 6 tháng đầu năm của Vinafor, tổng doanh thu hợp nhất ước đạt 1.028 tỷ đồng, đạt khoảng 52% kế hoạch năm 2024. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 224 tỷ đồng, đạt khoảng 65% kế hoạch năm 2024. Chỉ tiêu tạo rừng mới ước đạt 1.682 ha. Chỉ tiêu khai thác gỗ ước đạt 1.913 ha. Thu hồi đất lấn chiếm ước đạt 208 ha. Sản xuất, kinh doanh cây giống ước đạt 25,5 triệu cây.

Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Đỗ Hữu Huy phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Ghi nhận và đánh giá cao kết quả Vinafor đã đạt được trong 6 tháng đầu năm 2024, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Đỗ Hữu Huy nhận định: Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới, trong nước thời gian qua còn nhiều khó khăn, thách thức, Vinafor đã cố gắng tháo gỡ khó khăn và cơ bản đã hoàn thành các nhiệm vụ được giao, phát huy các nguồn lực hiện có để đạt được một số kết quả. “Để đạt được kết quả này, ngoài sự lãnh đạo điều hành hiệu quả của Tổng công ty, thì còn có sự đóng góp lớn của các đơn vị thành viên khi các công ty TNHH MTV ngày càng nâng cao hiệu quả hoạt động, các đơn vị liên kết với doanh nghiệp nước ngoài tiếp tục phát huy hiệu quả. Đồng thời, còn thể hiện sự phối hợp hợp chặt chẽ, sự tin tưởng lẫn nhau giữa những Người đại diện vốn của Vinafor và các cổ đông khác tại từng doanh nghiệp thành viên, cũng như sự đoàn kết, phối hợp chặt chẽ giữa Tổng công ty và đại diện các đối tác liên doanh qua nhiều năm hợp tác” – Phó Chủ tịch Đỗ Hữu Huy nhấn mạnh và đề nghị Nhóm đại diện phần vốn nhà nước tại Vinafor phối hợp với Hội đồng quản trị chỉ đạo người quản lý, người đại diện theo ủy quyền tại các doanh nghiệp khác tiếp tục đánh giá đầy đủ, kịp thời tình hình tài chính và hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp có vốn góp, để có biện pháp khắc phục tồn tại, hoàn thành mục tiêu, kế hoạch kinh doanh, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là có các biện pháp tăng cường giám sát, thực hiện tái cơ cấu các doanh nghiệp có vốn góp của Tổng công ty hoạt động chưa hiệu quả. Đối với các công ty có lãi, có tích luỹ, căn cứ vào vốn điều lệ, nguồn quỹ đầu tư phát triển, khả năng huy động vốn vay hoặc các nguồn vốn hợp pháp khác để xác định đúng nhu cầu nguồn vốn cho đầu tư, kinh doanh trong các năm, Vinafor chỉ đạo Người đại diện vốn tại doanh nghiệp khác xem xét, đề nghị Công ty có vốn góp của Tổng công ty thực hiện phân phối lợi nhuận về Công ty mẹ phù hợp để điều tiết, cân đối nguồn lực trong toàn Tổng công ty.

Để triển khai thành công các chương trình, kế hoạch trong năm 2024, Phó Chủ tịch Đỗ Hữu Huy đề nghị Người đại diện vốn nhà nước phối hợp với Hội đồng quản trị của Vinafor thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, Vinafor cần triển khai hiệu quả, thiết thực các nhiệm vụ, giải pháp và phấn đấu đạt mục tiêu cao nhất nêu tại Chiến lược phát triển Tổng công ty giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035; kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển đến năm 2025 đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua. Trong đó, tập trung nghiên cứu các đề án như đầu tư phát triển cây lâm nghiệp đa mục đích có năng suất, giá trị gia tăng cao nhằm tối đa hiệu quả sử dụng đất lâm nghiệp; đề án phát triển, kinh doanh tín chỉ carbon.

Phó Chủ tịch Đỗ Hữu Huy: Vinafor cần tiếp tục chủ động, đẩy mạnh hơn nữa triển khai ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác trồng rừng, khai thác rừng và sản xuất giống lâm nghiệp thời gian tới

Bên cạnh đó, Vinafor cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tài chính, sản xuất, kinh doanh, thu hồi nợ của các công ty con, công ty có vốn góp của Tổng công ty, có giải pháp xử lý đối với một số công ty kém hiệu quả; quản lý, sử dụng tài sản, đất đai có hiệu quả, đúng mục đích. Nắm bắt kịp thời thông tin về hoạt động của các công ty liên doanh, liên kết; thông qua người đại diện, tham gia vào các quyết định của Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên theo quy định của pháp luật. Thực hiện kịp thời, đầy đủ các kết luận thanh tra, kiểm tra của các cơ quan nhà nước chức năng. Tiếp tục nâng cao năng lực, trình độ quản trị hiện đại phù hợp với doanh nghiệp đã niêm yết trên sàn chứng khoán, đảm bảo tính công khai, minh bạch và hiệu quả trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp góp phần nâng cao uy tín và giá trị gia tăng cổ phần của Tổng công ty trên thị trường chứng khoán.

Phó Chủ tịch Đỗ Hữu Huy cũng yêu cầu Vinafor đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ trong trồng rừng, khai thác rừng và sản xuất giống lâm nghiệp; nâng cao giá trị rừng trong tất cả các mặt từ sản xuất, kinh doanh gỗ, dịch vụ môi trường rừng và tín chỉ carbon rừng. Theo Phó Chủ tịch Đỗ Hữu Huy, hiện nay, trong khối doanh nghiệp do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) đang đẩy mạnh công tác ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa vùng trồng; từ đó, giúp Tập đoàn dễ dàng theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm cây trồng. Bên cạnh đó, để đáp ứng yêu cầu trong Quy định của EU về các sản phẩm không gây phá rừng (EUDR) được ban hành ngày 23/6/2023, các sản phẩm như cà phê, dầu cọ, gỗ, cao su, thịt bò, cacao và đậu muốn nhập khẩu vào thị trường EU cần được bảo đảm đã được thực hiện đầy đủ các quy định về Trách nhiệm giải trình (Due diligence), bao gồm việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm tới từng lô đất sản xuất ra các hàng hóa đó. Do đó, việc triển khai số hóa vùng trồng cũng giúp VRG đáp ứng Quy định EUDR. Đây là những kinh nghiệm thực tiễn có thể giúp Vinafor tiếp tục chủ động, đẩy mạnh hơn nữa triển khai ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác trồng rừng, khai thác rừng và sản xuất giống lâm nghiệp thời gian tới.

Ông Phí Mạnh Cường – Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinafor phát biểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Đỗ Hữu Huy

Phát biểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Đỗ Hữu Huy, ông Phí Mạnh Cường – Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinafor bày tỏ cảm ơn sự quan tâm, chỉ đạo của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, các Bộ, ngành, cơ quan hữu quan. Theo ông Phí Mạnh Cường, Vinafor sẽ phát huy tối đa mọi nguồn lực để phấn đấu hoàn thành và vượt các chỉ tiêu kế hoạch năm 2024 đề ra.

Bày tỏ sự nhất trí cao với gợi mở của Phó Chủ tịch Đỗ Hữu Huy trong công tác ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động trồng rừng, khai thác rừng và sản xuất giống lâm nghiệp, ông Phí Mạnh Cường cho biết: Hội đồng quản trị sẽ phối hợp với Ban Điều hành tiếp tục triển khai Đề án phát triển công nghệ thông tin của Tổng công ty; hoàn thành Đề án kinh doanh tín chỉ carbon; đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, hợp tác quốc tế; kinh doanh gỗ nguyên liệu nhập khẩu và một số mặt hàng mới.

Ngoài ra, ông Phí Mạnh Cường cũng khẳng định: Trong thời gian tới, Vinafor sẽ tiếp tục tăng cường theo dõi nắm bắt tình hình tại các đơn vị thành viên để kịp thời hướng dẫn chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị trong bối cảnh thị trường tiêu thụ khó khăn, chi phí nguyên-nhiên vật liệu tăng cao; Có chính sách hỗ trợ để ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh và đảm bảo đời sống, thu nhập cho người lao động tại các đơn vị chế biến gỗ trong trường hợp đơn hàng sụt giảm/không có đơn hàng trong 6 tháng cuối năm. Chỉ đạo các đơn vị lâm nghiệp trực thuộc thực hiện các biện pháp để đẩy nhanh tiến độ khai thác, giải phóng hiện trường trồng rừng và thu hồi đất lấn chiếm và chống lấn chiếm mới.

Nhân dịp này, Hội nghị đã vinh danh những tập thể có thành tích xuất sắc trong thi đua lao động.

Bà Phạm Thị Huệ - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Ủy ban) công bố các quyết định khen thưởng của Ủy ban cho các tập thể có thành tích xuất sắc của Vinafor
Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Đỗ Hữu Huy trao Cờ thi đua của Ủy ban cho tập thể Vinafor vì có thành tích xuất sắc, dẫn đầu phong trào thi đua năm 2023
Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Đỗ Hữu Huy trao Cờ thi đua của Ủy ban cho các đơn vị của VInafor có thành tích xuất sắc, dẫn đầu phong trào thi đua năm 2023

 

Kết thúc phiên
Giá tham chiếu
Khối lượng

Đăng nhập

Liên kết website

Thống kê truy cập

Số người online: 162
Tổng số truy cập: 6215592