Vietnamese English

TỔNG CÔNG TY LÂM NGHIỆP VIỆT NAM - CÔNG TY CỔ PHẦN




Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024

01/07/2024

Chiều 28/6, tại Hà Nội, Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam - CTCP (Vinafor) đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024.

Tham dự đại hội, về phía Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp có ông Nguyễn Quế Dương – Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp; ông Phạm Văn Sơn – Vụ trưởng Vụ Tổng hợp; bà Vũ Thị Nhung – Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Kiểm soát nội bộ; cùng đại diện Văn phòng và Trung tâm Thông tin của Ủy ban; đại diện Bộ Công an và các Bộ ngành liên quan.

Về phía Vinafor có ông Phí Mạnh Cường - Chủ tịch Hội đồng quản trị; ông Lê Quốc Khánh - Thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc; cùng các Thành viên Hội đồng quản trị, Ban Tổng giám đốc, đại diện lãnh đạo các Ban chức năng, các đơn vị trực thuộc cùng các cổ đông liên quan.

Tổng doanh thu hợp nhất năm 2023 đạt 2.026 tỷ đồng

Báo cáo tại Đại hội, ông Lê Quốc Khánh – Thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Vinafor cho biết: Năm 2023, Tổng công ty triển khai thực hiện kế hoạch, nhiệm vụ trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược, xung đột chiến tranh kéo dài; kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm; lạm phát vẫn ở mức cao; nợ công toàn cầu tăng mạnh; các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro; hoạt động xuất, nhập khẩu bị thu hẹp. An ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh mạng gặp nhiều thách thức; thiên tai, biến đổi khí hậu gây hậu quả nghiêm trọng.

Ở trong nước, nền kinh tế chịu tác động của nhiều yếu tố bất lợi bên ngoài và những hạn chế, bất cập nội tại nên khả năng cạnh tranh, sức chống chịu còn hạn chế; tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 5,05% không đạt mục tiêu năm 2023 (6,5%) đề ra, chỉ số giá tiêu dùng tăng 3,25%, hoạt động sản xuất kinh, doanh gặp nhiều khó khăn (đặc biệt là các doanh nghiệp chế biến, chế tạo), tình trạng thiếu đơn hàng diễn ra phổ biến; nhu cầu thị trường trong nước sụt giảm và bị thu hẹp, xuất khẩu sang các thị trường chủ lực đều giảm so với cùng kỳ.

Ông Lê Quốc Khánh – Tổng giám đốc Vinafor báo cáo tại Đại hội

Đối với ngành gỗ, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản năm 2023 chỉ đạt 13,5 tỷ USD, giảm 15,6% so với năm 2022, trong đó gỗ và sản phẩm gỗ đạt khoảng 13,18 tỷ USD tương đương giảm 15,9% so với năm 2022. Dăm gỗ và viên nén cũng chịu ảnh hưởng chung từ thị trường. Tình hình xuất khẩu dăm gỗ dự kiến vẫn được duy trì nhưng giá xuất khẩu sẽ tiếp tục giảm... đã làm hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp nói chung và của Vinafor nói riêng gặp nhiều khó khăn.

Trước tình hình khó khăn nêu trên, với sự chỉ đạo sát sao kịp thời của Đảng, Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Tập đoàn T&T cùng với sự quyết tâm của Hội đồng quản trị, Ban lãnh đạo Vinafor và sự nỗ lực của toàn thể cán bộ nhân viên, các đơn vị thành viên, Tổng công ty đã đạt được một số kết quả khả quan, chỉ tiêu lợi nhuận, cổ tức của Công ty Mẹ đã hoàn thành và vượt kế hoạch 2023 đề ra.

Về kết quả thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2023, tổng doanh thu của Công ty mẹ Vinafor đạt 1.407 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 350 tỷ đồng. Kết quả hợp nhất toàn Tổng công ty, tổng doanh thu đạt 2.026 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 276 tỷ đồng. Kết quả ước thực hiện lâm sinh, chỉ số tạo rừng mới năm 1 đạt 2.890 ha, khai thác gốc rừng trồng đạt 2.613 ha. Tỷ lệ chi trả cổ tức đạt 9,21%/vốn điều lệ.

Về công tác xây dựng kế hoạch, chiến lược, Hội đồng quản trị Vinafor đã nhất trí thông qua về kế hoạch 5 năm đến 2025 và Chiến lược phát triển Tổng công ty đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035. Kế hoạch sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển năm 2024 của Tổng công ty phù hợp với: Kế hoạch 5 năm và Đề án cơ cấu lại Tổng công ty đến năm 2025; Chiến lược phát triển Tổng công ty đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035; Tình hình thực hiện kế hoạch, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 của Tổng công ty; Kết quả rà soát, thẩm định kế hoạch năm 2024 của các đơn vị thành viên; Các dự báo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2024; đã báo cáo và đã được 2 cổ đông lớn (Ủy ban và Tập đoàn T&T) có ý kiến chấp thuận.

Về công tác kế toán tài chính, tái cơ cấu, đổi mới doanh nghiệp, Vinafor đã xây dựng tiến độ thực hiện đề án theo từng quý và phân công nhiệm vụ cho các phòng ban, đơn vị để triển khai thực hiện; Lập báo cáo kết quả thực hiện định kỳ gửi cấp có thẩm quyền theo đúng quy định.

Thúc đẩy liên doanh liên kết, hợp tác quốc tế

Ông Phí Mạnh Cường - Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinafor thông tin một số hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tổng công ty tại Đại hội

Về công tác lâm nghiệp, trong hoạt động sản xuất, kinh doanh cây giống, năm 2023, Vinafor sản xuất và tiêu thụ cây giống là 37,43/41,22 triệu cây giống các loại. Hiện nay, một số đơn vị lâm nghiệp đã và đang triển khai cải tạo mở rộng, nâng cấp vườn ươm với công nghệ hiện đại để tăng công suất sản xuất, tìm kiếm mở rộng thị trường đẩy mạnh tiêu thụ cây giống chất lượng cao theo định hướng chiến lược phát triển của Tổng công ty. Phối hợp với Viện khoa học lâm nghiệp Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) khảo nghiệm giống mới trong nước: Bạch đàn G9, PN108, 2TTm, và các dòng bạch đàn lai khác như UP (95; 97; 164; 171; 223; 113; 434; 435) đây là những giống được đánh giá có khả năng thích nghi tốt, chưa bị nhiễm bệnh. Năng suất bình quân các giống này tại mô hình khảo nghiệm vào đạt 22-25 m3/ha/năm tùy từng dòng; tiếp tục theo dõi, trồng thí điểm mở rộng và đưa vào trồng đại trà khi đã được cấp có thẩm quyền công nhận giống.

Về công tác trồng, chăm sóc, quản lý bảo vệ và khai thác rừng, năm 2023, các đơn vị lâm nghiệp tạo mới được 2.890 ha rừng; khai thác được 2.613 ha. Thường xuyên, chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị quản lý sử dụng đất đúng mục đích và đúng quy định, nâng cao hiệu quả sử dụng đất; tăng diện tích trồng các giống mới (keo lá tràm, bạch đàn cao sản, keo lai...); trồng rừng tập trung, thâm canh cao, nuôi rừng gỗ có đường kính lớn, đưa một số loài cây bản địa trồng vùng đệm, bờ lô, ven khe… để tăng diện tích vùng trồng. Quản lý rừng bền vững theo quy định của lâm nghiệp.

Về công tác thị trường, Vinafor đã chủ động trong việc nắm bắt diễn biến thị trường, kịp thời điều chỉnh các hoạt động, phương án kinh doanh cho phù hợp với tình hình thực tế. Công tác xúc tiến thương mại đã được tăng cường thông qua việc trao đổi, làm việc với nhiều đối tác tại Nhật Bản, Châu Âu, Châu Mỹ để đa dạng hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa và mở rộng thị trường của Tổng công ty. Tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm tìm kiếm khách hàng và các sản phẩm mới có tiềm năng liên quan đến lĩnh vực sản xuất lâm nghiệp và chế biến gỗ.

Về hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu gỗ nguyên liệu, năm 2023 chịu nhiều tác động rất lớn do nhu cầu tiêu dùng toàn cầu sụt giảm mạnh. Hàng đồ nội, ngoại thất tồn kho tại Mỹ và các nước Châu Âu ở mức cao, các nhà máy chế biến, gia công gỗ tại Việt Nam vẫn thiếu hụt đơn hàng, phải hoạt động cầm chừng (hoặc dừng hoạt động) nên hoạt động kinh doanh thương mại gỗ nguyên liệu của Tổng công ty gặp nhiều khó khăn, lượng hàng tồn kho cao, phải áp dụng những chính sách hỗ trợ khách hàng thường xuyên, hiệu quả không đạt được như kỳ vọng. Để thích ứng với tình hình khó khăn trên, Vinafor đã triển khai một số phương án kinh doanh nội địa, thu hồi công nợ đúng thời hạn, nghiên cứu thêm một số khách hàng, lĩnh vực kinh doanh mới. Hoạt động kinh doanh thương mại dăm gỗ, viên nén đã được đẩy mạnh và có hiệu quả, đảm bảo cho các đơn vị thành viên và đối tác có đủ hàng xuất khẩu, hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch năm 2023.

Tiếp tục tăng cường phối hợp chặt chẽ và làm việc với đối tác truyền thống trong việc hướng dẫn, chỉ đạo, hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh tại các công ty liên doanh để hoàn thành tốt kế hoạch đề ra. Hiện nay, Tổng công ty vẫn tiếp tục đẩy mạnh hoạt động liên doanh liên kết, hợp tác quốc tế để thành lập các liên doanh mới, phát triển lĩnh vực chế biến gỗ xuất khẩu mang lại giá trị gia tăng cao như tiếp tục hợp tác, làm việc với Tập đoàn Sojitz, Công ty J-Power (Nhật Bản) và Công ty TNHH Hoàng Đại Vương để nghiên cứu triển khai một số dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất viên nén gỗ năng lượng tại Quảng Ninh, Bắc Giang, Đà Nẵng, Bà Rịa – Vũng Tàu.

Tại Đại hội, thay mặt Đoàn Chủ tịch, ông Phí Mạnh Cường - Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinafor đã cung cấp thêm một số thông tin về hoạt động của Tổng công ty trong năm 2023 và kế hoạch sản xuất kinh doanh trong năm 2024. Sau khi nhận được các thông tin từ Đoàn Chủ tịch, các cổ đông đã bày tỏ sự hài lòng đối với sự điều hành, giải đáp của Đoàn Chủ tịch và mong muốn Tổng công ty sẽ tiếp tục giữ vững sự ổn định và phát triển vững mạnh.

Đại hội đồng cổ đông Vinafor năm 2024 đã biểu quyết nhất trí thông qua một số các nội dung quan trọng, tạo động lực cho sự phát triển của Tổng công ty bao gồm: Báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2023 và Kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024; Báo cáo của Hội đồng quản trị về kết quả hoạt động năm 2023 và kế hoạch hoạt động năm 2024; Báo cáo thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ban kiểm soát năm 2023 và Phương hướng nhiệm vụ năm 2024; Báo cáo tài chính năm 2023 đã được kiểm toán; Tờ trình phân phối lợi nhuận sau thuế năm 2023; Tờ trình lựa chọn Công ty kiểm toán Báo cáo tài chính năm 2024; Tờ trình thông qua tiền lương, thù lao Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát năm 2024; Tờ trình về nhân sự thay thế tham gia Hội đồng quản trị; Quy chế bầu cử bổ sung Thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2021-2026;...

Nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh

Ông Phí Mạnh Cường - Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinafor phát biểu tại Đại hội

Phát biểu kết luận tại Đại hội, ông Phí Mạnh Cường - Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinafor nhấn mạnh, trên cơ sở kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024 được Đại hội thông qua, Tổng công ty tập trung mọi nguồn lực để tổ chức thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu kế hoạch năm 2024 đã đề ra. Xây dựng chương trình kế hoạch hoạt động, tiến độ kế hoạch từng tháng để triển khai thực hiện; Tăng cường hướng dẫn chỉ đạo và hỗ trợ kịp thời, khắc phục khó khăn, tiết kiệm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, mở rộng ngành nghề hoạt động, phát triển thị trường, khách hàng, tạo ra những sản phẩm mới... để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị thành viên (đặc biệt là tập trung vào các ngành nghề, hoạt động sản xuất kinh doanh chính), quản lý và sử dụng vốn, tài sản, đất đai theo đúng quy định và có hiệu quả. Rà soát, cân đối, nguồn lực để thực hiện đầu tư phát triển hợp lý và chỉ đầu tư vào các Dự án/bổ sung vốn cho các đơn vị thực sự cần thiết và có hiệu quả.

Triển khai thực hiện theo Chiến lược phát triển Tổng công ty giai đoạn từ năm 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2035 khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Thực hiện phân kỳ theo kế hoạch 5 năm, hàng năm; giám sát quá trình thực hiện, đảm bảo phát triển hài hòa trên cả 3 trụ cột: Kinh tế - Xã hội – Môi trường, lấy sự ổn định và tăng trưởng bền vững là mục tiêu xuyên suốt; là nền tảng, động lực phát triển và xây dựng Tổng công ty trở thành doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực lâm nghiệp (về giống cây lâm nghiệp, trồng rừng thâm canh...), tiên phong trong đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ trong trồng, khai thác rừng và sản xuất cây giống lâm nghiệp, nâng cao giá trị sản xuất lâm nghiệp từ sản xuất kinh doanh gỗ, dịch vụ môi trường rừng và tín chỉ carbon rừng. Làm việc với các đơn vị tư vấn (trong và ngoài nước) để hoàn thiện và triển khai Đề án kinh doanh tín chỉ carbon nhằm phát huy lợi thế của Tổng công ty.

Đồng thời, thực hiện theo Nghị quyết số 283 ngày 02/11/2023 của Hội đồng quản trị Tổng công ty và làm việc với các cơ quan chức năng, đơn vị tư vấn để sớm có tín chỉ carbon từ hoạt động lâm nghiệp, thể hiện vai trò của doanh nghiệp nhà nước với 3 mục tiêu chính: (1) Nâng cao hơn nữa hiệu quả kinh doanh trồng rừng thông qua mua bán tín chỉ carbon; (2) Tổng công ty trở thành nhà đầu tư sâu rộng, tham gia trực tiếp đầy đủ vào thị trường, mua bán, kinh doanh tín chỉ carbon (ngoài các diện tích rừng của Tổng công ty); (3) Phát huy vai trò của Tổng công ty nhà nước – doanh nghiệp lớn trong ngành lâm nghiệp; Xây dựng thương hiệu Vinafor đi đầu trong lĩnh vực đầu tư, mua bán, kinh doanh tín chỉ carbon; Hướng dẫn các công ty xây dựng kế hoạch, đo đếm kiểm kê khí nhà kính và xây dựng phương án giảm nhẹ khí nhà kính theo quy định.

Đại hội bầu bổ sung 2 Thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2021-2026, gồm ông Đỗ Vinh Quang - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Phó Tổng giám đốc Tập đoàn T&T
và bà Ngô Thị Thúy Mai – Phó Tổng giám đốc Vinafor

Song song với đó, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành Trung ương và chính quyền địa phương để triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ của Tổng công ty liên quan đến đảm bảo an ninh kinh tế, quốc phòng, giữ gìn trật tự an ninh xã hội trên địa bàn có các đơn vị thành viên đang hoạt động. Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa 2 tổ đại diện vốn, giữa Tổng công ty và các Vụ chức năng của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, các Ban chuyên môn của Tập đoàn T&T để hoàn thành tốt kế hoạch và các nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 đã đề ra.

Đại hội đã thông qua việc miễn nhiệm 2 Thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Nguyễn Tấn Cường và Đỗ Ngọc Khanh; đồng thời,  bầu bổ sung ông Đỗ Vinh Quang - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Phó Tổng giám đốc Tập đoàn T&T và bà Ngô Thị Thúy Mai – Phó Tổng giám đốc Vinafor.

Nguồn cmsc.gov.vn

Kết thúc phiên
Giá tham chiếu
Khối lượng

Đăng nhập

Liên kết website

Thống kê truy cập

Số người online: 111
Tổng số truy cập: 6645486