Vietnamese English

TỔNG CÔNG TY LÂM NGHIỆP VIỆT NAM - CÔNG TY CỔ PHẦN




Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023

13/04/2023
Sáng 12/4, tại Hà Nội, Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023. Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Đỗ Hữu Huy dự và phát biểu chỉ đạo tại Đại hội.
Tham dự Đại hội có đại diện lãnh đạo Vụ Nông nghiệp, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Tổng hợp, Vụ Pháp chế, Kiểm soát nội bộ và Trung tâm Thông tin (Ủy ban); đại diện Bộ Công an và các Bộ ngành liên quan.

Về phía Vinafor có ông Phí Mạnh Cường – Chủ tịch Hội đồng quản trị, ông Lê Quốc Khánh – Tổng giám đốc cùng các thành viên Hội đồng quản trị, Ban Tổng giám đốc, đại diện lãnh đạo các Ban chức năng, các đơn vị trực thuộc cùng các cổ đông liên quan.

Tổng doanh thu hợp nhất năm 2022 đạt 2.496 tỷ đồng

Báo cáo tại Đại hội, ông Lê Quốc Khánh – Tổng giám đốc Vinafor cho biết: Kinh tế - xã hội năm 2022 của nước ta diễn ra trong bối cảnh cảnh tình hình kinh tế - xã hội bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc xung đột giữa Nga – Ukraina và cạnh tranh chiến lược, địa chính trị giữa các nước lớn đã ảnh hưởng đến an ninh lương thực, năng lượng toàn cầu; tăng trưởng kinh tế phục hồi chậm, lạm phát tăng cao tại hầu hết các nước trên thế giới làm cho chi tiêu tài chính thắt chặt, nhu cầu tiêu dùng toàn cầu sụt giảm.

Đối với Việt Nam, nền kinh tế có độ mở cao nên chịu ảnh hưởng không nhỏ từ các yếu tố bên ngoài, có thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Áp lực lạm phát, lãi suất gia tăng và giá cả các yếu tố đầu vào cùng chi phí sản xuất - kinh doanh tăng cao, các thị trường xuất nhập khẩu lớn và truyền thống bị thu hẹp; Biến đổi khí hậu, mưa bão lũ lụt thường xuyên xảy ra đã gây thiệt hại, tác động tiêu cực và ảnh hưởng không nhỏ tới các hoạt động sản xuất - kinh doanh, đầu tư – phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và Vinafor nói riêng.

Tuy nhiên với sự chỉ đạo sâu sát của Hội đồng quản trị, Ban điều hành và sự nỗ lực phấn đấu của toàn thể cán bộ công nhân viên, Tổng công ty đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ trọng tâm Đại hội đồng cổ đông giao. Hội đồng quản trị đã tập trung vào mục tiêu ổn định và phát triển bền vững của Tổng công ty, phát huy lợi thế, tiềm năng sẵn có; tăng cường mối quan hệ chặt chẽ với người đại diện theo ủy quyền tại các đơn vị có vốn góp, mở rộng quan hệ với các đối tác trong và ngoài Tổng công ty và phối hợp chặt chẽ với Cổ đông chiến lược (Công ty cổ phần Tập đoàn T&T) để cùng phát huy lợi thế, hỗ trợ phát triển song phương và cùng chia sẻ lợi ích, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành tốt các chỉ tiêu kế hoạch năm 2022 được Đại hội đồng cổ đông giao.

Ông Lê Quốc Khánh – Tổng giám đốc Vinafor báo cáo tại Đại hội

Về kết quả thực hiện kế hoạch sản xuất - kinh doanh năm 2022, tổng doanh thu của Công ty mẹ Vinafor đạt 1.433 tỷ đồng, tương đương 128% kế hoạch năm, bằng 130% so với năm 2021; lợi nhuận sau thuế đạt 331 tỷ đồng, tương đương 150% kế hoạch năm, bằng 152% so với năm 2021, tỷ lệ chi trả cổ tức đạt 8,26%/vốn điều lệ. Kết quả hợp nhất toàn Tổng công ty, tổng doanh thu đạt 2.496 tỷ đồng, tương đương 106% kế hoạch năm, bằng 108% so với năm 2021; lợi nhuận sau thuế đạt 484 tỷ đồng, tương đương 147% so với kế hoạch năm, bằng 168% so với năm 2021. Kết quả ước thực hiện lâm sinh, chỉ số tạo rừng mới năm 1 đạt 3.006 ha, khai thác gốc rừng trồng đạt 3.187 ha.

Về công tác xây dựng kế hoạch, chiến lược, Hội đồng quản trị Vinafor đã nhất trí thông qua Đề cương chiến lược phát triển Tổng công ty giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2035; hiện Tổng công ty đang phối hợp với đơn vị tư vấn khẩn trương xây dựng, hoàn thiện chiến lược chi tiết để báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt. Vinafor đã hoàn thành việc xây dựng kế hoạch sản xuất - kinh doanh và đầu tư – phát triển năm 2023 của Tổng công ty phù hợp với: Định hướng chiến lược phát triển Tổng công ty giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2035; Đề án cơ cấu lại Tổng công ty giai đoạn 2021-2025; Tình hình thực hiện kế hoạch, nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 của Tổng công ty; Kết quả rà soát, thẩm định kế hoạch năm 2023 của các đơn vị thành viên; Các dự báo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2023; đã báo cáo và được 2 cổ đông lớn (Ủy ban và Tập đoàn T&T) có ý kiến chấp thuận.

Các cổ đông biểu quyết thông qua các nội dung quan trọng được trình bày tại Đại hội

Về công tác kế toán tài chính, Vinafor giữ vai trò quan trọng trong việc giám sát hoạt động tài chính của các đơn vị thành viên và thực hiện tốt chế độ, chuẩn mực kế toán theo đúng quy định hiện hành, quản lý tài chính tại Công ty mẹ, đảm bảo Tổng công ty hoạt động có hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn của chủ sở hữu; Thường xuyên đánh giá hiệu quả các khoản mục đầu tư để trích lập dự phòng đảm bảo an toàn về tài chính cho Tổng công ty. Hoàn thành tốt công tác lập báo cáo tài chính của Công ty Mẹ và hợp nhất toàn Tổng công ty phục vụ công bố thông tin theo quy định, công khai minh bạch về tài chính.

Nghiêm túc thực hiện công tác chỉ đạo điều hành hoạt động của Tổng công ty

Về công tác lâm nghiệp, trong công tác sản xuất - kinh doanh cây giống, năm 2022, Vinafor sản xuất và tiêu thụ được 41,5 triệu cây giống các loại, đạt 124% kế hoạch năm (33,61 triệu cây). Trong đó, cung cấp nội bộ để trồng rừng tại các đơn vị trong Tổng công ty khoảng 5,2 triệu cây, chiếm 12%; bán ra thị trường khoảng 36,3 triệu cây giống. Doanh thu đạt khoảng 44 tỷ đồng, lợi nhuận gộp ước đạt khoảng 14,267 tỷ đồng, vượt kế hoạch năm 2022 đề ra.

Trong công tác trồng, chăm sóc, quản lý bảo vệ và khai thác rừng, Vinafor tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo đơn vị xây dựng phương án chuyển đổi định hướng sử dụng đất nông nghiệp để nâng cao hiệu quả sử dụng đất; chuyển đổi cơ cấu cây trồng; tăng diện tích trồng các giống bạch đàn cao sản, keo lai giống mới, keo lá tràm; trồng rừng tập trung, thâm canh, kéo dài chu kỳ để kinh doanh rừng có đường kính lớn, đưa một số loài cây bản địa trồng vùng đệm, ven khe… Tính đến hết năm 2022, Vinafor đã khảo nghiệm 27 dòng, thí điểm 41 dòng để lựa chọn cây trồng phù hợp đưa vào trồng rừng. Tổng công ty đã thực hiện cấp/cho vay vốn kịp thời cho một số đơn vị lâm nghiệp, giống lâm nghiệp để triển khai thực hiện tốt kế hoạch lâm sinh năm 2022. Trong năm 2022, các đơn vị lâm nghiệp, giống lâm nghiệp đã tạo mới được 3.006 ha rừng.

Về công tác đầu tư, giám sát tài chính, tái cơ cấu, đổi mới doanh nghiệp, Tổng công ty luôn tập trung đầu tư vốn vào các ngành nghề, hoạt động sản xuất kinh doanh chính, không thực hiện đầu tư ngoài ngành. Tổng vốn đầu tư của Vinafor vào doanh nghiệp khác trên 894 tỷ đồng. Năm 2022, kết quả hoạt động đầu tư vốn vào doanh nghiệp khác của Tổng công ty đã tiếp tục đem lại hiệu quả cao, bảo toàn và phát triển vốn. Vinafor tiếp tục rà soát, đánh giá hiệu quả sử dụng vốn tại các đơn vị thành viên để tập trung nguồn lực cho các đơn vị có tiềm năng phát triển, đồng thời tìm giải pháp hỗ trợ các đơn vị hoạt động chưa hiệu quả, xử lý, tái cơ cấu đối với các đơn vị hoạt động kém hiệu quả, thua lỗ. Tổng công ty đã thoái vốn thành công tại Công ty cổ phần Forprodex đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả cao.

Các cổ đông tham gia Đại hội đặt câu hỏi về định hướng sản xuất - kinh doanh của Vinafor trong năm 2023 và những năm tới

Về công tác xúc tiến thương mại và hợp tác quốc tế, trong công tác thị trường, Vinafor đã chủ động nắm bắt diễn biến thị trường để điều chỉnh phương án kinh doanh cho phù hợp với thực tế góp phần đảm bảo hoàn thành kế hoạch kinh doanh được giao. Vinafor cũng làm việc với các tổ chức, hiệp hội trong lĩnh vực lâm nghiệp và xuất nhập khẩu để cập nhập các thông tin thị trường, chính sách mới liên quan đến các hoạt động kinh doanh của Tổng công ty, đặc biệt là tình hình thị trường xuất khẩu; Tăng cường tham gia các hội chợ triển lãm về gỗ và công nghệ để cập nhập các mẫu mã và xu hướng mới trong lĩnh vực chế biến. Tổng công ty phối hợp cùng các đơn vị chế biến tìm hướng tiêu thụ mới qua các kênh bán lẻ, tiêu thụ các sản phẩm tại thị trường nội địa và các thị trường mới ngoài Mỹ và Châu Âu nhằm giải quyết các khó khăn trong tình hình thiếu hụt các đơn hàng xuất khẩu hiện nay.

Trong hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu gỗ nguyên liệu, năm 2022 là một năm có nhiều khó khăn, thách thức, diễn biến khó lường đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh của lĩnh vực chế biến đồ gỗ xuất khẩu và tiêu thụ gỗ nhập khẩu trong nước. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Tổng công ty, các chỉ tiêu về doanh thu, lợi nhuận kinh doanh năm 2022 đều hoàn thành vượt mức kế hoạch. Bên cạnh đó, Tổng công ty đã phát huy được vai trò của công ty mẹ trong việc hỗ trợ hoạt động kinh doanh của các Công ty Liên doanh sản xuất nguyên liệu giấy Việt Nhật (Vijachip) đẩy mạnh sản lượng sản xuất và xuất khẩu, gia tăng hiệu quả đồng thời đẩy mạnh việc nghiên cứu các địa điểm để triển khai hợp tác sản xuất viên nén gỗ năng lượng tại những khu vực có nguồn nguyên liệu phù hợp.

Về triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động sản xuất - kinh doanh và quản lý điều hành, Vinafor tiếp tục triển khai Đề án phát triển công nghệ thông tin giai đoạn 2020-2030; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý điều hành và quản lý hoạt động sản xuất - kinh doanh tại cơ quan Tổng công ty và các đơn vị thành viên phù hợp với mục tiêu, kế hoạch chuyển đổi số, kinh tế số của Chính phủ. Nghiên cứu, tìm hiểu một số giải pháp xây dựng phần mềm cơ sở dữ liệu lâm nghiệp, quản lý rừng và đất rừng của các đơn vị có kinh nghiệm, uy tín về công nghệ số (hiện Tổng công ty đã và đang phối hợp với đơn vị tư vấn để tham gia chương trình hỗ trợ của Bộ nội vụ Nhật Bản lắp đặt thử nghiệm hệ thống quản lý trung tâm sản xuất giống cây trồng bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào áp dụng công nghệ cao bằng phần mềm E-kakashi). Tiếp tục triển khai công tác cải tạo hạ tầng mạng nội bộ, hệ thống an toàn thông tin, hệ thống máy chủ của Tổng công ty phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật công nghệ, xu hướng phát triển công nghệ thông tin hiện nay.

Ông Phí Mạnh Cường - Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinafor trả lời các câu hỏi của cổ đông tại Đại hội

Tại Đại hội, các cổ đông của Tổng công ty cũng đã nêu ra những câu hỏi, những vấn đề cần làm rõ thêm có liên quan đến tình hình hoạt động sản xuất – kinh doanh năm 2022 cũng như phương hướng, nhiệm vụ của Tổng công ty trong thời gian tới. Thay mặt Đoàn Chủ tịch, ông Phí Mạnh Cường - Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinafor đã trực tiếp trả lời những câu hỏi của các cổ đông cũng như cung cấp thêm một số thông tin về hoạt động của Tổng công ty trong năm 2022 và kế hoạch sản xuất kinh doanh trong năm 2023. Sau khi nhận được các giải đáp của Đoàn Chủ tịch, các cổ đông đã bày tỏ sự hài lòng đối với sự điều hành, giải đáp của Đoàn Chủ tịch và mong muốn Tổng công ty sẽ tiếp tục giữ vững sự ổn định và phát triển vững mạnh.

Đại hội đồng cổ đông Vinafor năm 2023 đã biểu quyết nhất trí thông qua một số các nội dung quan trọng, tạo động lực cho sự phát triển mạnh mẽ của Tổng công ty bao gồm: Báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2022 và Kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023; Báo cáo của Hội đồng quản trị về kết quả hoạt động năm 2021 và kế hoạch hoạt động năm 2022; Báo cáo thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ban kiểm soát năm 2021 và Phương hướng nhiệm vụ năm 2022; Báo cáo tài chính năm 2022 đã được kiểm toán; Tờ trình phân phối lợi nhuận sau thuế năm 2022; Tờ trình lựa chọn Công ty kiểm toán Báo cáo tài chính năm 2023; Tờ trình thông qua tiền lương, thù lao Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát năm 2023.

Tăng cường vai trò, trách nhiệm của Người đại diện vốn nhà nước tại Tổng công ty

Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Đỗ Hữu Huy đánh giá: Năm 2022 là năm có nhiều khó khăn, thách thức lớn, bất ngờ xuất hiện, tác động xấu, nhiều mặt và ảnh hưởng rất nặng nề không chỉ đối với nước ta mà còn đối với toàn thế giới. Trên thế giới, cuộc xung đột kéo dài tại Ukraine, các lệnh trừng phạt của Mỹ và các nước phương Tây đối với Nga; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn; các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại Trung Quốc; thiên tai, lũ lụt, hạn hán kéo dài trên diện rộng ở Trung Quốc, các nước châu Âu... đã làm cho chuỗi cung ứng bị gián đoạn; giá dầu thô, lương thực, thực phẩm và nhiều vật tư, nguyên liệu đầu vào tăng mạnh; lạm phát tăng cao đột biến ở nhiều quốc gia và đối tác lớn.

Ở trong nước chúng ta cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức mới, nặng nề hơn: Phải tiếp tục xử lý những tồn tại của nền kinh tế đã tích tụ từ lâu và trầm trọng hơn do tác động của đại dịch Covid-19 và sự suy giảm kinh tế thế giới cũng như những biến động bất thường của thị trường tài chính - tiền tệ toàn cầu; kiểm soát dịch Covid-19, phòng; giá cả hàng hoá, vật tư, nguyên liệu cho sản xuất, nhất là giá xăng dầu, chi phí đầu vào, vận tải tăng cao, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, ngành, lĩnh vực và đời sống nhân dân... Vinafor cũng như các doanh nghiệp khác của Ủy ban đều gặp những khó khăn ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh.

Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Đỗ Hữu Huy phát biểu chỉ đạo tại Đại hội

“Tuy nhiên, kết quả sản xuất kinh doanh trong năm 2022 của Vinafor với một số chỉ tiêu chủ yếu chính đã vượt kế hoạch do Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 thông qua. Kết quả trên thể hiện sự quyết tâm và làm việc có trách nhiệm, hiệu quả của Ban Lãnh đạo Tổng công ty, sự đoàn kết, nỗ lực của tập thể cán bộ, nhân viên của Tổng công ty và các đơn vị thành viên. Đồng thời, góp phần quan trọng vào kết quả này này là có sự phối hợp chặt chẽ, sự tin tưởng lẫn nhau giữa các cổ đông lớn, cũng như các cổ đông khác để cùng phát huy lợi thế, hỗ trợ lẫn nhau và cùng chia sẻ lợi ích vì sự phát triển của Tổng công ty” – Phó Chủ tịch Đỗ Hữu Huy ghi nhận và biểu dương.

Theo Phó Chủ tịch Đỗ Hữu Huy, Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường kinh doanh nhận định: năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện các Nghị quyết Đại hội XIII của Đáng, Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến rất phức tạp, nhanh chóng, khó đoán định. Trong nước, nền kinh tế có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Do đó, trong năm 2023, Vinafor cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ, linh hoạt để vượt qua những khó khăn này để tiếp tục bảo toàn, phát triển vốn của doanh nghiệp trong đó có vốn của cổ đông nhà nước.

Phó Chủ tịch Đỗ Hữu Huy đề nghị Người đại diện phần vốn nhà nước tại Tổng công ty phối hợp với Hội đồng quản trị công ty cổ phần tập trung triển khai một số nhiệm vụ chủ yếu năm 2023. Theo đó, Người đại diện vốn nhà nước thực hiện đầy đủ, kịp thời ý kiến chỉ đạo của Ủy ban, tăng cường vai trò trách nhiệm của Người đại diện vốn nhà nước tại Tổng công ty và đại diện vốn Tổng công ty tại các doanh nghiệp trong thực thi nhiệm vụ được giao; chủ động đánh giá, dự báo thị trường trong và ngoài nước để có phương án kinh doanh linh hoạt, phù hợp và có hiệu quả, giảm thiểu rủi ro; có giải pháp đảm bảo thu hút nguồn lao động cho các đơn vị; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của Tổng công ty.

Phó Chủ tịch Đỗ Hữu Huy: "Người đại diện vốn nhà nước thực hiện đầy đủ, kịp thời ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, tăng cường vai trò trách nhiệm của Người đại diện vốn nhà nước tại Vinafor và đại diện vốn Tổng công ty tại các doanh nghiệp trong thực thi nhiệm vụ được giao"

Trên cơ sở kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023 được Đại hội thông qua, Tổng công ty tổ chức triển khai tốt việc giao, giám sát kế hoạch 2023 cho các đơn vị thành viên; đồng thời xây dựng các giải pháp quyết liệt, tập trung nguồn lực để triển khai thực hiện tốt, có hiệu quả kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023. Bên cạnh đó, trên cơ sở Đề án cơ cấu lại Tổng công ty trong giai đoạn 2021-2025  đã được Ủy ban thông qua và xin ý kiến tại Đại hội đồng cổ đông thường niên lần này, Người đại diện vốn nhà nước tại Tổng công ty phối hợp với Hội đồng quản trị xây dựng kế hoạch, lộ trình, biện pháp triển khai các nội dung tại Đề án đảm bảo chặt chẽ đúng quy trình, thẩm quyền, tiến độ và chất lượng Đề án, nhất là trong công tác thoái vốn, đầu tư dự án...

Quản lý, sử dụng có hiệu quả tài sản, vốn, các nguồn lực, tạo động lực để Tổng công ty phát triển nhanh và bền vững, trong đó cần có giải pháp để nâng cao hơn nữa hiệu quả sản xuất kinh doanh từ ngành nghề chính của Tổng công ty (lâm nghiệp, chế biến gỗ, sản xuất viên nén....), giảm dần sự lệ thuộc vào một số đơn vị, lĩnh vực hiện đang có đóng góp hiệu quả chủ yếu cho Tổng công ty. Tăng cường kiểm tra, đánh giá vốn đầu tư đảm bảo tính tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp công nghệ mới để nâng cao năng lực cạnh tranh của Tổng công ty và các đơn vị thành viên.

Vinafor cần tiếp tục chú trọng nâng cao chất lượng công tác quản lý, bảo vệ và khai thức rừng cũng như quản lý, sử dụng đất nông nghiệp để nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổng công ty và các đơn vị thành viên theo Kết luận 82- KL/TW ngày 29/7/2020 Bộ chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ chính trị khóa XI về tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động công ty nông, lâm nghiệp; cần chủ động phối hợp, đề xuất với các địa phương trong công tác quy hoạch sử dụng đất nông lâm nghiệp nhằm bảo toàn, phát huy hiệu quả nguồn lực đất đai của doanh nghiệp, đồng thời tham gia vào phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương theo đúng quy hoạch và quy định pháp luật hiện hành. Ngoài ra, Vinafor cần chủ động trong hợp tác, liên kết, tiêu thụ sản phẩm dịch vụ lẫn nhau giữa các doanh nghiệp trong Ủy ban nhằm phát huy lợi thế của nhau, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Tiếp tục phát huy, tăng cường hiệu quả sự phối hợp, thống nhất trong Hội đồng quản trị, giữa đại diện vốn nhà nước với cổ đông chiến lược, các cổ đông khác để nâng cao chất lượng quản lý, quản trị doanh nghiệp, phát huy hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh của Tổng công ty.
Kết thúc phiên
Giá tham chiếu
Khối lượng

Đăng nhập

Liên kết website

Thống kê truy cập

Số người online: 615
Tổng số truy cập: 6498265